Thị trường hàng hóa
Nếu như thời điểm trước đây, blockchain là khái niệm hoàn toàn xa lạ thì sự thành công của những nền tảng dựa trên công nghệ mới này như Sky Mavis, Coin98… đã thu hút nhiều nhà đầu tư và là tiền đề để các dự án blockchain tại Việt Nam tiếp tục phát triển.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, công nghệ blockchain đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong thực tế, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi cả thế giới và Việt Nam… Tiền điện tử có thể được xem là ứng dụng phổ biến nhất, nhưng nó không phải là duy nhất. Khi mà với khả năng khai phá nhiều cơ hội trong đa lĩnh vực, blockchain đang dần trở thành trụ cột công nghệ ở Việt Nam khi được ứng dụng trong một số ngành như chính phủ số, logistics, bán lẻ, fintech, y tế, nông nghiệp, giải trí.
“Blockchain, với sức ảnh hưởng mang tính đột phá, sẽ tạo ra cơn sóng thần công nghệ phủ lên toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề từ truyền thống cho đến các ứng dụng mới nhất. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã đi sớm và có thành tựu trong lĩnh vực blockchain”, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết.
Nhận định về thông tin Việt Nam là một trong số các quốc gia đi đầu về blockchain, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm bộ môn cao cấp Kinh doanh ứng dụng blockchain tại Đại học RMIT cho rằng, do dân số Việt Nam tương đối trẻ nên có xu hướng thích và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh đó, người Việt có xu hướng thích mạo hiểm, thích rủi ro. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều công ty Việt Nam đã tạo ra những sản phẩm có thể xuất khẩu ra nước ngoài một cách thành công. Đó là những lý do mà Việt Nam thành công với blockchain.
Theo ông Huy Nguyễn, đồng sáng lập và Chủ tịch Kardiachain, sự phát triển mạnh mẽ của blockchain trong những năm vừa rồi là nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và có thể yếu tố lớn nhất chính là thiên thời. Theo ông Huy, cứ mỗi 10 năm lại có một công nghệ chủ đạo ra đời. 10 năm trước có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thì bây giờ thì có blockchain. Cũng trong khoảng 10 năm vừa rồi, Việt Nam có phong trào khởi nghiệp khá lớn, đồng thời Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn dân số vàng, thông thường kéo dài khoảng 30 năm và sẽ luôn đi tương đồng với công nghệ chủ đạo nào đó. Những đất nước đã từng trải qua việc này là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và bây giờ tới Việt Nam.
Ông Huy Nguyễn nhấn mạnh, đây mới là yếu tố quan trọng nhất vì dân số vàng nghĩa là có rất nhiều người trẻ tham gia vào quá trình tạo ra và tiêu thụ sản phẩm liên quan đến blockchain. Đặc biệt, trong thời điểm có thêm nhiều nguồn lực từ nước ngoài đổ về để sản phẩm có thể dễ dàng đi ra thế giới.
Bà Tạ Thị Kim Huệ, Giám đốc sản phẩm IVIRSE cho rằng, để ứng dụng được một công nghệ nào đó thì cần phải hiểu rõ về nó. Bà hy vọng mọi người không thần thánh hoá công nghệ blockchain có thể giải quyết được tất cả các bài toán về kinh tế, thị trường, tài chính… mà hãy coi blockchain là một trong những công nghệ xu hướng phát triển trong tương lai.
Liên quan đến các doanh nghiệp sáng tạo các công nghệ dịch vụ dựa trên blockchain, cần phải làm rõ được ưu nhược điểm khi áp dụng công nghệ này và bài toán thị trường cho sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain. “Khi đó mới có thể tự tin khẳng định một công nghệ mới được áp dụng hiệu quả và thành công trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau”, bà Huệ khẳng định.
Ông Vũ Hồng Phú - Thành viên Ban điều hành MB Bank, Tổng Giám đốc MB Ageas Life cho biết, MB Bank đang là ngân hàng tiên trong trong giải pháp blockchain. Những giải pháp của blockchain giúp kết nối giữa khách hàng xuất khẩu với khách hàng nhập khẩu, giúp doanh nghiệp nhìn bao quát nhu cầu hàng hóa của khách hàng. Nhờ đó, trong 5 năm vừa quả, MB Bank đã thực sự làm chủ công nghệ với năng lực xử lý giao dịch thành công đạt tỷ lệ 99% và đứng top đầu thị trường.
Trong khi đó, theo ông Tú, tại Tập đoàn FPT, blockchain hiện tại được ứng dụng vào nhiều sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT.
Tuy nhiên, để tồn tại lâu dài, ông Huy Nguyễn cho rằng, điều quan trọng vẫn là công nghệ blockchain phải tạo ra những sản phẩm có giá trị. Để khi cơn sốt blockchain hiện nay qua đi, khi người ta không còn quan tâm quá nhiều về công nghệ này thì những sản phẩm nó tạo ra vẫn còn mang lại giá trị.
Theo bà Tạ Thị Kim Huệ, trong 5 năm tới sẽ là một cuộc cách mạng mới khi mà công nghệ blockchain sẽ cải tiến, thay đổi để có thể chuyển đổi các giá trị về chuyển đổi số, giá trị số thành giá trị sản xuất và giá trị tiêu dùng. Chỉ có như vậy, công nghệ blockchain mới có thể thực sự phát triển mạnh mẽ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
“Thị trường blockchain hiện nay đang rất nhạy cảm vì phụ thuộc vào giá trị về niềm tin. Nó sẽ phải thay đổi để chuyển đổi giá trị niềm tin, giá trị trên thị trường số thành giá trị sản xuất thì nó mới có thể phát triển một cách bền vững được trong vòng 5 năm tới”, bà Huệ nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, hầu như các công ty công nghệ đang tập trung nhiều hơn vào việc khai thác các ứng dụng trên nền tảng công nghệ blockchain thay vì phát triển hạ tầng cho công nghệ blockchain có thể phát triển ở bước thấp hơn. “Nếu muốn phát triển bền vững, chúng ta phải tạo ra hệ thống và hạ tầng về mặt vật lý cho công nghệ blockchain”, bà Huệ kết luận.
Cuối cùng, ông Phan Đức Trung đưa ra 3 hướng đi cho doanh nghiệp ứng dụng blockchain tại Việt nam. Đầu tiên, blockchain là giải pháp cắt giảm các chi phí quản trị trung gian thông qua cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch. Thứ hai, xây dựng mô hình doanh nghiệp lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain.
“Cuối cùng, cần ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi sản phẩm tài chính truyền thống cốt lõi”, ông Trung nhấn mạnh.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm