Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 dự kiến được tổ chức vào ngày 11/6 tới đây.
Theo đó, Đạm Cà Mau lập kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 11.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 795 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 28% so với năm 2023.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận, công ty dự trình mức chia cổ tức với tỷ lệ 20% cho năm 2023, và 10% cho năm 2024.
Đây được xem là kế hoạch kinh doanh tương đối “thận trọng” của Đạm Cà Mau. Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong năm nay, nền kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, khi các động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Dự báo lạm phát sẽ giảm, nhưng xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt đối với ngành năng lượng và lương thực thực phẩm.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan, và Đạm Cà Mau cho rằng đây là thời điểm để tăng tốc, thực hiện các mục tiêu đề ra theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Kết thúc quý 1 vừa qua, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2023; nhưng lãi ròng tăng hơn 51%, đạt 346 tỷ đồng. So với kế hoạch dự kiến trình cổ đông thì doanh nghiệp này đã hoàn thành 24% mục tiêu doanh thu và 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá, lãi ròng của Đạm Cà Mau trong năm nay sẽ tăng mạnh khi nhu cầu phân bón dần phục hồi và Nhà máy Đạm Cà mau đã hết khấu hao từ quý 4/2023.
Trong đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước kỳ vọng sẽ được cải thiện trong bối cảnh giá nông sản duy trì ở mức cao nhưng giá phân bón đã giảm về mức thấp trong khoảng thời gian dài, sẽ kích thích nhu cầu mở rộng diện tích canh tác. Đồng thời, khu vực miền Trung bắt đầu có nhu cầu chăm bón cho vụ Hè Thu và khu vực miền Bắc chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, kéo theo đó là nhu cầu về phân bón, nhất là ure sẽ tăng lên.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán BIDV, với việc Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao, chi phí khấu hao cả năm nay của Đạm Cà Mau có thể giảm tới 67%, xuống còn 358 tỷ đồng. Qua đó, kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty có thể tăng khoảng 5 điểm phần trăm.
Chứng khoán BIDV dự phóng lãi ròng năm nay của Đạm Cà Mau có thể đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2023. Đồng thời, kỳ vọng lợi nhuận hàng năm của công ty sẽ duy trì ổn định từ 1.700 - 2.000 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 (loại trừ giai đoạn lợi nhuận tăng đột biến 2021 - 2022).
Xem thêm: "Vừa thâu tóm xong Nhà máy NPK Hàn - Việt, Đạm Cà Mau (DCM) nâng mạnh mục tiêu tiêu thụ NPK" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong một diễn biến có liên quan, Đạm Cà Mau vừa mới ký kết hợp tác với Wuhuan Engineering Co,.Ltd, nhằm thực hiện ba nội dung chính, bao gồm: nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; nghiên cứu nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; hợp tác để Đạm Cà Mau cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới của Wuhuan.
Wuhuan là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc, có năng lực cao về thiết kế kỹ thuật và EPC, cùng nhiều kinh nghiệm dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG cũng như vật liệu mới.
Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau vừa làm việc với loạt đối tác lớn như Ameropa AG (Thụy Sỹ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón và Sino - Agri Potash - nhà cung cấp phân Kali hàng đầu trên thế giới.
Sắp tới, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau có kế hoạch làm việc với đối tác nhập khẩu kinh doanh phân bón lớn nhất Thái Lan, nhằm tạo điều kiện để thực hiện chiến lược mở rộng liên kết chuỗi tại thị trường các nước ASEAN.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm