Thị trường hàng hóa
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi là Lễ hội Cốm mới của đồng bào dân tộc Thái ở Phong Thổ (Lai Châu) được tổ chức hàng năm vào lúc trời cuối thu, đầu đông.
Khi mùa vàng trải dài trên khắp nương đồi cũng là lúc báo hiệu mùa thu hoạch lúa mới của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc bắt đầu. Với người Thái, đây cũng là lúc tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, cầu cho dân bản luôn khoẻ mạnh, mưa thuận gió hòa.
Ngay từ sáng sớm, khắp các bản làng người Thái xứ Mường So, huyện Phong Thổ đã rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục bà con dân bản hướng về cánh đồng bản Huổi Én. Màu vàng của lúa chín xen lẫn sắc áo cóm, áo đen truyền thống của đồng bào Thái tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu.
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện 4 nghi thức là: rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Phần hội, đồng bào Thái và du khách cùng tham gia các trò chơi truyền thống.
Mở màn cho phần lễ là nghi thức rước hồn lúa, đây là nghi lễ linh thiêng thể hiện sự trân quý hồn lúa, đề cao Thần nông. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, đồng bào Thái đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng và cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, mỗi khi tổ chức Lễ hội đều phải đi rước “hồn lúa” từ cánh đồng, nương rẫy về để thờ cúng.
Theo kinh nghiệm phân biệt dân gian của người Thái, lúa thành hạt được chia ra 4 loại. Loại thứ nhất gọi là khẩu kít, hạt rất non bên trong còn chứa nhiều sữa; tiếp theo là khẩu mảu, hạt chín hơn một chút nhưng vẫn mềm, hơi sữa, chuyên dùng chế biến thành gạo cốm (lúa cốm). Khẩu hang loại thứ 3 có hạt tương đối cứng thường dùng để đồ xôi nhờ tính chất dẻo và vị thơm ngọt. Cuối cùng là khẩu khao hay gạo thường ăn hàng ngày.
Khi đi rước hồn lúa về làm lễ cần chọn ngày tốt. Trên đường đi còn có tục hèm, tức là gặp ai chào cũng không được trả lời, im lặng đi thẳng ra ruộng lúa. Khi hái lúa dùng cho nghi lễ phải hái cả bông lúa và lá lúa, có như vậy hồn lúa mới hài lòng và thể hiện lòng cảm tạ Thần nông đã bảo vệ cây lúa trổ bông tươi tốt.
Tiếp theo là nghi thức cúng hồn lúa và nghi lễ giã cốm, cầu bình an. Công việc chế biến lúa cốm khá phức tạp từ khâu giã cốm rồi tới nướng chín. Lúa để nguyên bông và được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều; lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm.
Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo. Khi nướng xong thì cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.
Kết thúc phần lễ là nghi thức cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Sau khi đoàn người thực hành xong nghi thức tại điểm thờ cúng, thầy cúng bắt đầu mang đồ lễ ra ngoài phát lộc, cầu bình an, cầu cho dân làng trong bản và du khách luôn khoẻ mạnh, no ấm.
Sau khi xong phần lễ, đồng bào Thái cùng du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, điệu múa như: kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe. Các hoạt động đã gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn và trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Chị Hoàng Thị Thiên, bản Huổi Én, xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu diễn ra sau những ngày lao động vất vả của bà con dân bản, nên ai cũng hào hứng. Đây là dịp người dân trong bản diện trên mình bộ quần áo mới nhất, để cùng tham gia hoạt động nghi lễ và hòa mình vào các trò chơi truyền thống dân tộc.
"Để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái, hàng ngày tôi vẫn đi tập văn nghệ với các bản, các thôn, các xã trong vùng. Vào những dịp lễ hội, tôi vẫn mặc trang phục người Thái, để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của mình", chị Thiên nói thêm.
Theo bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là một lễ hội truyền thống đặc trưng của dân tộc Thái khu vực Mường So.
Lễ hội được phục dựng, bảo tồn nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng riêng và động viên tinh thần bà con hăng say lao động sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Phong Thổ nói riêng và Lai Châu nói chung.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm