Thị trường hàng hóa
Chiến lược gia Kamal Sharma của Ngân hàng Hoa Kỳ (BoA) nhận định nước Anh đang rơi vào cuộc khủng hoảng mang tính sống còn, tương tự như lần Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc khủng hoảng này được dự báo có thể đẩy đồng bảng Anh ngang giá với đồng USD vào cuối năm nay.
Trong khi đó, ngày 26/9, có thời điểm giá trị đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình suy giảm kéo dài của đồng tiền này kể từ đầu thế kỷ XX. Cụ thể, sáng sớm phiên giao dịch 26/9, khi chỉ có các thị trường châu Á mở cửa sau cuối tuần, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống dưới mức 1 bảng đổi 1,035 USD trước khi phục hồi nhẹ trong ngày.
Đây là mức thấp kỷ lục của đồng tiền của nước Anh trong vòng 40 năm qua, bất chấp Ngân hàng Trung ương Anh vừa tăng lãi suất cơ bản để chống lại lạm phát, chống lại sự mất giá không phanh của đồng bảng. Trong vòng gần năm qua, bảng Anh đã giảm khoảng 23%, từ mức gần ngưỡng 1 bảng Anh đổi 1,4 USD về mức gần ngang giá với đồng USD như hiện tại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, bảng Anh đã tăng lên 1,5% so với USD, lên 1,1331 USD. Tuy nhiên, ông Mazen Issa, Chiến lược gia ngoại hối cao cấp của TD Securities, cho rằng nếu đồng bảng tiếp tục xuống dưới 1,05 USD thì khả năng đồng tiền này sẽ giảm về mức ngang giá với đồng USD là rất lớn.
Theo Mazen Issa, thị trường đã từng chứng kiến đồng euro giảm xuống dưới mức ngang giá so với đồng USD. Do đó, không có lý do gì đồng bảng Anh không thể về mức đó.
Song, so với đồng euro vốn đã giảm giá mạnh, mức độ sụt giảm của đồng bảng Anh gây chú ý hơn. Đồng thời, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Anh cũng biến động tăng từ 3,5% sáng 23/9 lên 4,3% tối 26/9.
Đây được coi là mức cảnh báo nghiêm trọng. Bởi lợi suất trái phiếu tăng cho thấy nỗi lo ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế sẽ làm tăng chi phí đi vay của Chính phủ Anh.
Lý giải lý do đồng bảng Anh mất giá mạnh so với đồng USD, chuyên gia tại Maybank cho rằng việc thiếu cam kết đối với kỷ luật tài khóa của Anh cùng với đồng USD mạnh lên đã khiến cho đồng bảng nhanh chóng suy yếu. Theo kế hoạch, Anh đề xuất bãi bỏ thuế suất 45% đối với các khoản thu nhập trên 150.000 bảng Anh (162.000 USD).
Việc cắt giảm thuế, cùng với kế hoạch hỗ trợ các hóa đơn năng lượng đang tăng lên của các hộ gia đình, đòi hỏi chính phủ phải vay thêm 72 tỷ bảng Anh (77,7 tỷ USD) trong 6 tháng tới. Cùng với đó, Thủ tướng Liz Truss cũng giới hạn hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Chuyên gia Andrew Goodwin từ Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics cho biết các thị trường dường như đang nghi ngờ độ tin cậy của kế hoạch ngân sách dài hạn của Chính phủ Anh. Nếu đồng bảng Anh vẫn tiếp tục ở mức thấp so với đồng USD thì việc nhập khẩu các mặt hàng được định giá bằng đồng USD, bao gồm dầu và khí đốt, sẽ tốn kém hơn.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng có thể đắt đỏ hơn và du khách người Anh đến Mỹ sẽ không còn nhiều như trước do đồng tiền của Anh mất giá. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế cùng với vay nợ chính phủ tăng sẽ khiến lạm phát cao hơn và buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải tăng lãi suất hơn nữa.
Vào thế kỷ trước, Anh từng là cường quốc hàng đầu trên thế giới và là nước có đồng tiền dự trữ quốc tế. 1/3 giao thương trên thế giới được thực hiện với Vương quốc Anh và đồng bảng được mệnh danh là "nữ hoàng của các loại tiền tệ" thế giới, được sử dụng như một công cụ dự trữ trên toàn thế giới.
Ở thế kỷ thứ XIX, đồng bảng Anh có trị giá bằng 5 USD, cao hơn khoảng 5 lần so với hiện nay. Năm 1972, Anh đã thực hiện chính sách cắt giảm thuế khổng lồ lên tới 2% GDP. Cú sốc dầu mỏ năm 1973 và lạm phát tăng vọt đã làm nốt phần còn lại.
Sau nỗ lực tăng lãi suất lên 15% để bảo vệ đồng bảng, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dường như hết cách. Đồng bảng Anh sụp đổ. Sự trượt dài của đồng bảng Anh trong những tháng gần đây vẫn nằm trong bối cảnh này. Ngân hàng Nomura cũng dự báo giá trị của đồng bảng Anh có thể tụt xuống ngưỡng biểu tượng tương đương đồng USD vào cuối tháng 11 tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm