Thị trường hàng hóa
Âm nhạc cổ điển khá trừu tượng và để nó đến được với mọi người cần phải có những “cây cầu” đặc biệt. Vì thế, không chỉ các nghệ sĩ biểu diễn mà những nhà giáo dục cũng có sứ mệnh giới thiệu âm nhạc cổ điển qua việc kể những đoạn thơ ngắn, bóc tách nhạc cụ, thanh âm nhanh chậm, to nhỏ trong từng bản nhạc... Những trải nghiệm này sẽ giúp các bạn trẻ yêu nhạc dễ dàng nghe nhạc cụ “nói chuyện” với nhau.
Buổi hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội là một minh chứng. Đêm diễn có sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà cùng 5 nghệ sĩ dương cầm trẻ được tuyển chọn từ cuộc thi tìm kiếm pianist VYMI EduConcert Piano Audition 2022. Classical Wonderland dẫn dắt khán giả thưởng ngoạn vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển theo một cách thức mới mẻ và đầy sinh động. Trước đó, chương trình đã có 2 tháng tìm kiếm pianist dành cho tất cả bạn trẻ yêu dương cầm, không phân biệt chuyên nghiệp và không chuyên, đến từ mọi miền đất nước. Thông qua việc đăng ký dự thi và tập luyện biểu diễn, các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu sâu về tác phẩm được trình diễn trong buổi hòa nhạc.
Là một trong những nghệ sĩ trẻ được chọn biểu diễn, Pianist Vũ Duy Minh vui mừng xen lẫn hồi hộp vì đây là trải nghiệm đầu tiên của bạn khi được vinh dự chơi cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, trên một sân khấu lớn trước đông đảo khán giả. Còn pianist Nguyễn Hoàng Phương Thy thì hồi hộp chia sẻ: “Đây đã là ước mơ từ lâu và em rất hạnh phúc khi được biểu diễn trong sự kiện lần này. Thông qua màn trình diễn của mình, em mong mọi người thấy rằng âm nhạc cổ điển thực sự không xa vời, nó chính là những âm thanh, giai điệu rất gần gũi, quen thuộc và dễ hiểu”…
Với pianist Aoto Yamaguchi, khi còn ở Nhật Bản, bạn đã có cơ hội hòa tấu cùng nhóm của mình và điều đó giúp Aoto Yamaguchi nhận ra tầm quan trọng cũng như sự hòa âm đồng điệu của các nhạc cụ trong dàn nhạc. Kể từ đó, chơi piano với một dàn nhạc trở thành ước mơ cháy bỏng của Aoto Yamaguchi. “Giờ đây, tôi đã chạm được tới nó. Tôi cảm thấy rất tuyệt và hạnh phúc khi Classical Wonderland trao cho tôi cơ hội tuyệt vời được đứng trên sân khấu và hòa tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam”, pianist trẻ vui mừng chia sẻ.
Nghệ sĩ Trang Trịnh, Giám đốc điều hành chương trình Vietnam Youth Music Institute (VYMI) cho biết, trong chương trình, ngoài các bạn trẻ được giáo dục cách chơi với dàn nhạc thì khán giả cũng được hướng dẫn làm thế nào để hiểu và nghe nhạc. Bên cạnh đó, chương trình cũng mang đến cho khán giả cơ hội trải nghiệm hòa nhạc có hướng dẫn, được dẫn dắt tìm hiểu về âm nhạc cổ điển cũng như các loại nhạc cụ, cách mà chúng vẽ nên một không gian âm thanh kỳ diệu...
Hòa nhạc giáo dục đã được tổ chức dưới nhiều hình thức ở trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, hòa nhạc tích hợp sứ mệnh giáo dục vẫn còn rất mới mẻ. Vì vậy, Classical Wonderland có ý nghĩa rất lớn đối với văn hóa nghe nhạc nói chung và tầm ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói riêng.
Nghệ sĩ Trang Trịnh chia sẻ, VYMI không tập trung vào đào tạo nghệ sĩ tương lai, mà sứ mệnh của VYMI là truyền cảm hứng và trở thành gạch nối giữa thế giới hiện đại của thế hệ trẻ với những giai điệu đẹp đẽ của nhạc cổ điển, qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng. Bởi vậy, khi tuyển chọn pianist, ngoài biểu diễn tác phẩm tự chọn, biểu diễn trích đoạn cùng dàn nhạc, thí sinh tham dự còn phải thể hiện được tình yêu của mình với âm nhạc cổ điển và câu chuyện muốn chia sẻ với khán giả… “Là nghệ sĩ, tôi luôn hạnh phúc khi chơi nhạc, nhưng đâu đó vẫn cảm thấy có rào cản nhất định giữa cộng đồng với nghệ sĩ âm nhạc cổ điển. Điều này đến từ nhiều phía, chính vì thế, đưa âm nhạc đến mọi người cần có những cây cầu, những cách hướng dẫn đặc biệt, không chỉ cần các nghệ sĩ biểu diễn, mà cần có những nhà làm giáo dục”, Trang Trịnh bày tỏ.
Với Classical Wonderland, bà Jan Karlin, cố vấn của chương trình cho rằng, hòa nhạc giáo dục (EduConcert) không chỉ hướng tới việc thưởng thức vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc mà sứ mệnh lớn nhất của nó là hướng tới việc mở ra cho mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh một cơ hội học tập, tìm hiểu, khám phá âm nhạc. Đây là điểm khác biệt quan trọng, bởi giáo dục nghệ thuật chỉ là một phần rất nhỏ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Thông qua việc cung cấp các tài liệu và kiến thức cơ bản, hay các hoạt động tìm hiểu ngay tại buổi biểu diễn, mọi người có thêm cơ hội được tiếp cận, hiểu và mở rộng trải nghiệm với một thế giới mới mẻ. “Tôi tin rằng, điều này sẽ là sự khởi đầu của làn sóng lan tỏa tới cộng đồng. Ví dụ, những người lớn tuổi sau khi tham gia các buổi hòa nhạc có thể khuyến khích người trong gia đình theo học nhạc cụ hoặc tham gia thưởng thức âm nhạc. Học nhạc, thưởng thức âm nhạc sẽ trở thành một trong những sở thích hữu ích và trang bị các kỹ năng đặc biệt. Tình yêu âm nhạc sẽ gắn bó với chúng ta trong suốt cuộc đời”, bà Jan Karlin nói.
Giám đốc điều hành chương trình VYMI cho biết, trong quá trình kiến tạo ý tưởng, xây dựng nội dung cũng như các hoạt động giáo dục cốt lõi của Classical Wonderland, Trang Trịnh và đội ngũ VYMl luôn đặt ra mục tiêu về việc biến một buổi hòa nhạc trở thành một hành trình học hỏi, nơi tất cả mọi người được tìm hiểu với sự hướng dẫn từ tài liệu và người đồng hành. Chính vì vậy, cô cùng các cộng sự đã làm việc chăm chỉ để hoàn thiện bộ tài liệu học tập dành cho khán giả. Song song với đó, những người hướng dẫn sẽ cùng khán giả khám phá và học hỏi kiến thức cơ bản về âm nhạc cổ điển, về những loại nhạc cụ có trong dàn nhạc. Trang Trịnh tin rằng, khi khán giả đã biết, đã hiểu thì tình yêu nhạc cổ điển sẽ như một mầm cây được gieo vào trái tim mỗi người.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm