Thị trường hàng hóa
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, CPI là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất.
So với tháng trước, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% (khu vực thành thị giảm 0,41%; khu vực nông thôn giảm 0,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2023 tăng 2,81%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Các nhóm hàng tăng giá bao gồm:
Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương trong năm học 2022-2023 tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,2% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,63% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,62%, trong đó nhóm lương thực tăng 3,84%; thực phẩm tăng 2,89%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,35%.
Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4/2023 tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,99%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,31%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%.
Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:
Nhóm giao thông tháng 4/2023 giảm 3,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,38 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 15,5% do từ tháng 5/2022 đến nay giá xăng A95 giảm 4.360 đồng/lít; xăng E5 giảm 4.450 đồng/lít và dầu diezen giảm 5.960 đồng/lít.
Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,33% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
So với tháng 12/2022, CPI tháng Tư tăng 0,39%, trong đó có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá.
Trong các nhóm tăng giá:
Nhóm giao thông tháng 4/2023 tăng cao nhất với 3,81% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 8,89% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 12 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 2.930 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.710 đồng/lít.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,21% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,06% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,32% so với tháng 12/2022 do giá thực phẩm giảm 1,25%, trong đó chủ yếu giảm ở giá thịt lợn.
Nhóm giáo dục giảm 3,69% do trong 4 tháng đầu năm 2023 một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.
Nhóm bưu chính, viễn thông tháng Tư giảm 0,26% so với tháng 12/2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm