Thị trường hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 khá thấp, trong khi tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng ở mức thấp nhất giai đoạn 2011-2023, do đó đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế so với các năm trước đó.
Cụ thể, năm 2023, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước đạt 3,62%, đóng góp 0,93% vào tổng mức tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước trong tháng 12-2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022, thấp hơn mức tăng 7,1% của năm 2022.
Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước ước tính tại thời điểm ngày 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5%, cao hơn so với mức 78,1% của năm 2022.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân chính dẫn đến tồn kho tăng là do sản xuất và tiêu thụ chưa gặp được nhau. Ông nói, khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu khiến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh, các thị trường chủ lực cũng giảm, dẫn đến tồn kho tăng.
Năm qua, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 5,5% so với năm trước. Đặc biệt, có đến 5/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến đều suy giảm so với cùng kỳ. Đáng nói, xuất khẩu các nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cả năm 2023 cũng giảm hơn 11%. Trong đó, xuất khẩu dầu thô giảm 16,7%, than đá giảm 35,8%, xăng dầu các loại giảm 1,5%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm