Thị trường hàng hóa
Xe đạp và cây tre dường như là hai thứ không liên quan gì đến nhau. Thế nhưng, bằng ý chí của tuổi trẻ cũng như ứng dụng khéo léo những thành quả nghiên cứu công nghệ, chàng trai Nguyễn Văn Tuyền đã kết hợp hai vật nói trên lại trong một sản phẩm độc đáo: Xe đạp tre.
Anh Tuyền cho biết, lòng tự tôn dân tộc là động lực thôi thúc anh và cộng sự nghiên cứu về một sản phẩm “make in Vietnam” chất lượng cao. Chàng trai sinh năm 1988 chia sẻ: “Khi nghĩ đến làm xe đạp, vật liệu đầu tiên mà tôi nghĩ đến là tre. Cây tre là biểu tượng cho tinh thần Việt Nam.
Hơn nữa, tre có ưu thế là loài cây tái tạo rất nhanh, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 3-5 năm. Một cụm tre sau khi khai thác, lại tiếp tục mọc ra những cây măng, vòng tuần hoàn sinh trưởng tốt, không như cây gỗ chẳng hạn, chặt đi là hết. Tre mà chúng tôi sử dụng là loại tre được trồng, không phải tre khai thác từ tự nhiên, điều này đồng thời cũng giúp cho người dân có công ăn việc làm”.
Thực tế, cũng không ít người có ý định sản xuất xe đạp từ những vật liệu khác, ví dụ như vật liệu gỗ. Tuy nhiên, để làm ra khung xe có độ bền đạt chất lượng theo yêu cầu thì phải là gỗ nhóm mộc, có tuổi đời từ 60-100 năm. Nếu như vậy, chi phí tăng cao sẽ nâng giá bán lên cao, hơn nữa tính tái tạo của cây gỗ mất nhiều thời gian và việc chặt hạ gỗ ảnh hưởng đến môi trường.
Từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường dài. Việc đưa cây tre vào sản xuất xe đạp của anh Nguyễn Văn Tuyền cũng trải qua không ít khó khăn trước khi đạt được những thành công bước đầu. Anh Tuyền kể: “Khó khăn trong quá trình tạo ra một sản phẩm mới là đương nhiên. Khi quyết tâm sử dụng tre - nguyên liệu vô cơ thay thế cho vật liệu hữu cơ, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều để vượt qua những giới hạn của vật liệu để đáp ứng tiêu chí về độ bền, công năng sử dụng và yếu tố thẩm mỹ cho sản phẩm”.
Qua 2 năm mày mò nghiên cứu, anh Tuyền và đồng nghiệp đã tìm ra cách xử lý tre với công nghệ mới bảo vệ môi trường. Thay vì phải ngâm tre vài năm, công nghệ mới chỉ mất 6 tiếng nhưng khung tre vẫn cứng như thép, dẻo hơn thép. Cụ thể, từ rất nhiều nan tre, sử dụng công nghệ gọi là tre ghép thanh (ghép các nan tre sử dụng keo dán đặc biệt) và độ hấp carbon để loại bỏ đường, lipit trong tre, anh Tuyền cho ra lò khung xe đạp có độ bền chắc cao.
Cây tre đến tuổi trưởng thành (3-5 năm) mới đủ độ cứng để làm khung. Một chiếc khung xe đạp phải ghép từ rất nhiều nan tre, xử lý 21 công đoạn, mất chừng 1 tháng mới hoàn thành. Một cây tre chỉ được sử dụng 15%, sau đó qua quá trình xử lý carbon hóa, chống mối mọt, ẩm mốc để đảm bảo độ bền chắc và tuổi thọ cho sản phẩm.
Nhờ sự độc đáo, nắm bắt xu hướng sống xanh, sản phẩm xe đạp tre của anh Nguyễn Văn Tuyền đã được đón nhận cả ở trong nước và nước ngoài. Năm 2020, xe đạp tre của Việt Nam đã có mặt ở Hà Lan, Pháp, Na Uy và có văn phòng đại diện tại Đức. Ngoài ra, xe đạp tre còn xuất hiện trên truyền hình Nga như một giải pháp sống xanh.
Anh Tuyền bày tỏ: “Khi đặt nền móng đầu tiên cho xe đạp tre - Trevi Bike ở thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Châu Âu vô cùng khắc nghiệt, chúng tôi phải trải qua vô vàn khó khăn, rào cản về sự khác biệt. Tuy nhiên, Trevi Bike thật may mắn khi xây dựng được đội ngũ cố vấn am hiểu thị trường, hoạch định chiến lược tốt và quan trọng là nắm bắt nhanh các tiêu chí mà khách hàng khó tính như khách hàng Châu Âu có thể hài lòng và yêu thích.
Tại thị trường Châu Âu, sở dĩ chúng tôi chọn Hà Lan, bởi nhu cầu sử dụng xe đạp ở Hà Lan, lớn nhất thế giới, lớn hơn cả dân số của quốc gia này. Dân số Hà Lan là khoảng 17 triệu, nhưng xe đạp được sử dụng khoảng 21 triệu xe. Người ta ví von người Hà Lan sinh ra trên một chiếc xe đạp. Tư tưởng của người dân Hà Lan là thích thể thao, bảo vệ môi trường, nên chúng tôi quyết định chọn Hà Lan là nơi đầu tiên mở mang thị trường ngoài Đức. Showroom ở Berlin là giống như tổng đại diện ở Châu Âu vậy”.
Sự đón nhận của thị trường cũng như những lời khen ngợi không khiến cho anh Tuyền rơi vào trạng thái tự mãn. Ngược lại, chàng trai này vẫn còn ấp ủ rất nhiều kế hoạch để phát triển những sản phẩm khác,tận dụng triệt để thế mạnh từ nguyên liệu truyền thống của Việt Nam là cây tre, thân thiện với môi trường và đảm bảo công năng sử dụng. “Một ngày nào đó, những sản phẩm từ cây tre Việt Nam sẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đó là mơ ước của tôi”, anh Tuyền bồi hồi cho biết.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm