Thị trường hàng hóa
Thời gian vừa qua, dưới sự điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, công tác điều hành giá, đặc biệt là hàng loạt các biện pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm được một phần gánh nặng từ ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhất là ở các địa phương phía Nam, có một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu kêu thua lỗ, dẫn tới nghỉ bán, đóng cửa với một loạt nguyên nhân được đưa ra như: lấy hàng khó khăn, không mua được hàng, chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm, thậm chí phải trả tiền cao hơn giá bán lẻ…
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước khi vào chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 5/9/2022 (theo đúng lịch là ngày 1/9/2022), một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã đóng cửa, “tuyên bố” hết hàng khiến người dân khá vất vả trong việc tìm nguồn nhiên liệu để phục vụ đi lại, sản xuất. Trong đó có cả hết thật và “hết giả”.
Doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho biết, hiện nay đại lý bán lẻ nằm cuối chuỗi cung ứng, điều kiện bị ràng buộc vô cùng chặt chẽ. Lợi nhuận của đại lý là dựa vào thù lao (chiết khấu) trên lít mà nhà cung cấp đưa ra hàng ngày. Đặc biệt, theo quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu thì đại lý bán lẻ chỉ được quyền mua ký hợp đồng với một nhà cung cấp duy nhất và phải được Sở Công thương chấp thuận.
Trong khi đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần (các ngày mùng 01, 11 và 21 hàng tháng theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu). Nhưng nếu 10 ngày trùng với ngày nghỉ thì dịch thời gian điều chỉnh vào ngày làm việc tiếp theo (có đợt lên đến 15 ngày), cộng với việc trích và lập Quỹ bình ổn thì nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu cho rằng chưa hợp lý.
Trước tình hình trên, để nâng cao tính cạnh tranh về số lượng cung cấp cho đại lý lúc bình thường và khi xăng dầu khan hiếm, đại diện một số đại lý bán lẻ kiến nghị nên để đại lý có thể mua xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu khác có cam kết đảm bảo về số lượng, chất lượng các loại xăng dầu, được Bộ Công thương cấp chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Đại lý xăng dầu cam kết và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng với cơ quan chức năng tại địa phương và với khách hàng.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo rất sát sao trong công tác điều hành giá xăng dầu. Đặc biệt, với một loạt biện pháp như giảm thuế bảo vệ môi trường, hay như gần đây tiếp tục giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 10%...
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, lực lượng chức năng thời gian qua đã tiến hành, kiểm tra, xử phạt, thậm chí tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh 7 đầu mối xăng dầu khi phát hiện vi phạm là việc làm đúng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đối với việc doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho mua xăng dầu từ nhiều đầu mối phân phối, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, ông đồng tình việc này để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng trên cơ sở đúng quy định của pháp luật. Việc này có thể giúp cơ quan quản lý nhàn hơn, yên tâm hơn với chất lượng phục vụ người dân.
Theo ông Vũ Vinh Phú, trước mắt có thể làm “thí điểm”, cho một số đại lý bán lẻ xăng dầu nghiêm túc đã được kiểm chứng tại địa phương mở rộng nhập xăng dầu tại 2 đầu mối để bán lẻ. Từ đó đánh giá hiệu quả, đưa ra giải pháp quản lý một cách tốt nhất. Vừa giúp doanh nghiệp đa dạng nguồn cung nhưng cơ quan chức năng cũng có biện pháp giám sát, quản lý về chất lượng, về nguồn gốc, hóa đơn chứng từ mua bán…
“Nếu quy định chặt chẽ, tiền kiểm đảm bảo chất lượng trước khi nhập kho để bán ra thị trường, đảm bảo đúng quy trình, quy định thì theo tôi vẫn có thể cho đại lý bán lẻ mua xăng dầu từ các nhà phân phối khác nhau được. Phải thật sự chặt chẽ đầu vào, giống như phân bón có thể mua khắp nơi chứ không phải một nơi. Việc này vừa chống sự độc quyền nhưng qua kiểm soát chặt chẽ thì thương nhân phân phối có ý đồ cũng không làm lẫn lộn được”, ông Phú nói.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, thời gian tới, Bộ Công thương cần phải thiết lập lại chuỗi cung ứng xăng dầu bằng cách rút ngắn lại. Hiện nay, qua nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí tăng lên, nếu không quản lý chặt chẽ thì có thể là cơ hội để hàng lậu xen vào. “Việc rút ngắn chuỗi cung ứng vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, vừa chống được hàng lậu, vừa giảm chi phí, Bộ Công thương dễ quản lý, đại lý bán lẻ khó lòng làm trái quy định. Cùng với là duy trì hóa đơn điện tử, kiểm soát giấy tờ lưu hành trên đường. Bộ phận Quản lý thị trường cũng phải rất tích cực làm việc”, ông Phú nhấn mạnh.
Về việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ (hiện là 10 ngày 1 lần), ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm là nên rút ngắn thời gian điều chỉnh. “Tôi kiến nghị nên điều chỉnh đúng ngày, không tính ngày nghỉ, lễ. Nếu có thể, cơ quan có thẩm quyền nên tham mưu tốt nhất là nên rút xuống còn 5 ngày” ông Phú nói và lý giải: Điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày là quá dài, sẽ lỡ nhịp, bởi khi xăng dầu xuống giá thì không điều chỉnh nhưng sau 10 ngày giá xăng dầu lại tăng thì sẽ không đảm bảo quy luật thị trường, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Chuỗi cung ứng xăng dầu hiện tại có thể khái quát theo thứ tự như sau: Thứ nhất là, đầu mối xuất nhập khẩu (có quyền nhập, xuất, mua hàng tại các nhà máy lọc dầu, bán hàng cho các đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối (TNPP)). Thứ hai là, TNPP trung gian (có quyền mua hàng từ nhiều đầu mối, có quyền bán hàng cho nhiều đại lý, nhiều tổng đại lý). Thứ ba là, tổng đại lý (có quyền bán hàng cho các đại lý, chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối hoặc 1 TNPP). Thứ tư là, đại lý bán lẻ (chỉ có quyền mua hàng từ 1 tổng đại lý, 1 TNPP hoặc 1 đầu mối). |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm