Thị trường hàng hóa
Cổ phiếu vua trở lại
Còn nhớ từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ trong năm 2006, ngành ngân hàng làm mưa làm gió. Cổ phiếu ngân hàng được coi là cổ phiếu vua với hàng loạt mã có thị giá trên 100.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra từ từ năm 2008, cổ phiếu ngân hàng dần mất vị thế của mình, nhường sức nóng cho cổ phiếu bất động sản.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần 2022, cổ phiếu vua đã trở lại dù không hoành tráng như thuở nào. Với việc giữ được giá trước đợt lao dốc của VN-Index và bứt tốc mạnh khi VN-Index lấy lại được sắc xanh, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã trở thành “trùm chứng khoán” - cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Đứng ngay sau VCB là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Cụ thể, năm Nhâm Dần 2022 trôi qua, VN-Index giảm tới 25,1%. Trong bối cảnh đó, VCB vẫn tăng 4.000 đồng/CP, tương đương 4,5% lên 93.000 đồng/CP. VCB duy trì được vị thế cổ phiếu ngân hàng có thị giá lớn nhất. Nhờ VCB “vượt bão” thành công, vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 18.930 tỷ đồng lên 440.124 tỷ đồng (khoảng 18,7 tỷ USD).
Dù không giữ được sắc xanh khi trong năm Nhâm Dần 2022 nhưng đà đi lùi của BID là rất khiêm tốn so với đà giảm chung của toàn thị trường. Chốt năm, BID dừng ở mức 45.950 đồng/CP sau khi giảm 2.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường BIDV ở mức 232.439 tỷ đồng (khoảng 9,8 tỷ USD).
Có thể thấy, BID đã vượt qua các đại gia bất động sản, ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam để đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách Các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đứng sau BID trong nhóm ngành ngân hàng là CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (149.459 tỷ đồng), VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (130.907 tỷ đồng), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (104.389 tỷ đồng).
Có thể thấy, trong danh sách Các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, đa số là cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh đóng vai trò dẫn dắt.
Tâm điểm 2023 là trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản
Có thể thấy, thời gian qua, các ngân hàng đầu tàu đã có màn trình diễn ấn tượng. Nhưng điều đó không có nghĩa toàn ngành cũng có bức tranh tươi sáng như vậy.
Theo Công ty chứng khoán SSI, Trailing P/B của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI vào cuối năm 2022 là 1,17 lần, thấp hơn nhiều so với mức 2,11 lần vào cuối năm 2021. Như vậy, chỉ số này gần tiến đến mức đáy 0,98 lần được thiết lập trong năm 2020. Hay nói cách khác, ngành ngân hàng tiệm cận “đáy lịch sử”.
Hầu hết các ngân hàng đều giao dịch ở mức P/B cao hơn một chút so với năm 2020 và/hoặc mức đáy giai đoạn 2011 - 2012, ngoại trừ VCB, BID và STB. SSI đánh giá mức định giá thấp hiện nay phản ánh một phần rủi ro liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp
Khi đánh giá về ngành ngân hàng trong năm 2023, SSI tin rằng tâm điểm vẫn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Một trong những quy định chính có thể tác động đến triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng là việc thông qua dự thảo sửa đổi Nghị định 65. Với quyết tâm chính trị nhằm hỗ trợ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, có khả năng quá trình tái cơ cấu và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo cách thức có thể đạt được tình trạng “hạ cánh mềm”, tất nhiên với điều kiện cần những hỗ trợ hơn nữa về mặt chính sách.
“Do đó, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi đưa ra giả định thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ cánh mềm trong năm 2023 với việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được ban hành. Điều này sẽ giúp cho cả ngân hàng và các chủ đầu tư bất động sản có thêm thời gian giải quyết vấn đề của mình. Ước tính trước đây của chúng tôi trở thành kịch bản thận trọng hiện tại, trong đó Nghị định 65 không được sửa đổi nhưng các chủ đầu tư lớn vẫn sẽ có thể đàm phán với các ngân hàng trong việc cơ cấu lại lịch trả nợ”, SSI nhấn mạnh vào việc tương lai ngành ngân hàng phụ thuộc vào Nghị định 65.
SSI điều chỉnh dự báo lợi nhuận với giả định thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ cánh mềm trong năm 2023, theo đó, SSI điều chỉnh tăng giá mục tiêu và đưa ra khuyến nghị trung lập về triển vọng của ngành trong năm.
Trong nửa đầu năm 2023, SSI vẫn nhận thấy các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Điều này bao gồm áp lực lên lãi suất tương ứng với việc FED tăng lãi suất điều hành, tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc từ mức cao của 2022 và rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn.
“Những thách thức này có thể dẫn đến sự điều chỉnh của một số cổ phiếu trong ngành, và cũng có thể tạo ra cơ hội đầu tư tốt đối với những cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc. Lựa chọn hàng đầu của chúng tôi là: VCB, ACB, BID và STB. Trong khi VCB và ACB là những lựa chọn tốt nhất của chúng tôi nhờ chất lượng tài sản và hoạt động ổn định, BID và STB dường như sẽ có những câu chuyện thú vị”, SSI tiếp tục đề cao “trùm chứng khoán” VCB.
SSI duy trì quan điểm thận trọng đối với những ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay cao đối với lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù SSI tin rằng sẽ có những biến động lớn về giá đối với những cổ phiếu này trong năm 2023 xuất phát từ bất kỳ thay đổi nào về mặt chính sách liên quan đến thị trường bất động sản và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khuyến nghị của SSI theo hướng tiêu cực: Fed tăng lãi suất cao hơn dự kiến; chiến tranh leo thang giữa Nga và Ukraine; và các chính sách được thực hiện theo hướng giám sát nghiêm ngặt hơn. Điều này có nghĩa là các dự thảo quy định về an toàn hoạt động được hoàn thiện trong khi dự thảo sửa đổi Nghị định 65 không được thông qua.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm