Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG - sàn UPCoM) cho biết đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ tập đoàn phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của tập đoàn được tổ chức muộn hơn các năm trước. Sau Đại hội, tập đoàn lại gặp phải một số biến động nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt, việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp, cung cấp số liệu để hoàn thiện báo cáo tài chính quý 2/2024 đúng thời hạn quy định.
“Do đó, theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 96/2020/TT-BTC về việc tạm hoãn công bố thông tin, chúng tôi đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng, dẫn đến chưa thể công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 đúng thời hạn,” công văn của Tập đoàn Lộc Trời nêu rõ.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, hồi giữa tháng 7 vừa qua, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời đã có quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tạm thời trực tiếp điều hành hoạt động của tập đoàn cho tới khi bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Việc ông Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Lộc Trời đang kinh doanh thua lỗ. Trong quý 1/2024, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần gần 3.850 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ các khoản chi phí, lại báo lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng. Mức lỗ này tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết quý 1/2024, trong 5 quý kinh doanh thì Tập đoàn Lộc Trời báo lỗ tới 3 quý. Đỉnh điểm tại quý 3/2023, tập đoàn này báo lỗ tới 327 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, tập đoàn này còn vướng loạt lùm xùm về nợ tiền mua lúa vụ Đông Xuân của nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đến cuối tháng 5 vừa qua, với sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã cổ phiếu TPB), Tập đoàn Lộc Trời đã hoàn tất việc thanh toán số tiền trên với tổng giá trị khoảng 472 tỷ đồng.
Sau khi miễn nhiệm ông Nguyễn Duy Thuận, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và mong nhận được sự hỗ trợ của các bên, đặc biệt là các ngân hàng nhằm giúp tập đoàn có đủ tiềm lực tài chính, ổn định lại sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo thật bền vững.
Xem thêm: "Vướng loạt lùm xùm, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) thay “tướng”, dự báo cần vài năm để vực dậy" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
"Sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tất cả quý vị đúng theo quy định của pháp luật hiện hành", Chủ tịch Lộc Trời nhấn mạnh.
Những nguyên nhân chính gây thua lỗ cho Tập đoàn Lộc Trời thời gian vừa qua là do chi phí tài chính tăng cao đã “bào mòn” lợi nhuận, cùng với biến động tỷ giá và chi phí nguyên liệu đầu vào leo thang.
Ngoài ra, tính đến hết quý 1/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Lộc Trời ở mức 11.913 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu khách hàng lên tới 6.472 tỷ đồng, cho thấy tình trạng vốn lưu động của tập đoàn này đang bị chiếm dụng ở mức cao. Thậm chí, Tập đoàn Lộc Trời còn phải trích lập 490 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Ngược lại, lượng tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn106 tỷ đồng. Điều này gây ra sự mất cân đối trong việc duy trì dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Tập đoàn Lộc Trời lên tới 8.939 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, nợ vay ngắn hạn lên tới 6.246 tỷ đồng, cao gấp đôi so với vốn chủ sở hữu, cho thấy rủi ro thanh khoản cao.
Trên thị trường chứng khoán, trong bối cảnh xuất hiện các thông tin tiêu cực, thị giá cổ phiếu LTG từ đầu năm 2024 đến nay đã mất khoảng 41%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm