Thị trường hàng hóa
Thị trường chứng khoán với sắc đỏ ngập tràn là sự kiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian vừa qua. Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận tốc độ giảm mạnh hơn hẳn so với các nhóm khác. Thậm chí có mã cổ phiếu của nhóm này còn mất đi 70 - 80% so với giá trị tại đỉnh đã tạo lập.
Điều này có thể được lý giải bởi cổ phiếu chứng khoán chịu sự ảnh hưởng lớn nhất trước đà tăng giảm của thị trường chung. Do đó, sự sụt giảm mạnh của thị trường trong thời gian qua đã khiến thị giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán lao dốc, ước tính giá trị trung bình của nhóm cổ phiếu này đã bị "thổi bay" từ 30 - 40%.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) thì nhóm cổ phiếu chứng khoán có độ biến động rất cao, gắn liền với diễn biến của thị trường chứng khoán bởi diễn biến của thị trường sẽ phản ánh ngay vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ. Vì vậy, giai đoạn thị trường ngập trong sắc đỏ vừa qua với thanh khoản giảm mạnh, giá trị các loại cổ phiếu lao dốc thì thị giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sâu là điều tương đối dễ hiểu.
Xét về ngắn hạn thì lượng bán ra của nhóm cổ phiếu này vẫn rất lớn, chưa hề có dấu hiệu của việc cải thiện nên sẽ rất khó xác định được "đáy" của nhóm này. Tuy vậy nhưng với độ nhạy lớn hơn đối với diễn biến của thị trường, khi có những dấu hiệu tích cực thì nhóm cổ phiếu này cũng sẽ có sức bật tốt hơn. Hiện tại, P/B của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang ở loanh quanh ở mức 1, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước nhưng là tương đối phù hợp với diễn biến đang có xu hướng xấu của thị trường.
Với diễn biến hiện tại của thị trường, có thể dễ dàng nhận thấy rằng doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán sẽ giảm mạnh do thanh khoản kém. Hiện tại, giá trị giao dịch bình quân quý III chỉ đạt khoảng 16.000 tỷ đồng/phiên, giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2021. Nghiệp vụ cho vay ký quỹ, một mảng mang lại doanh thu chính cho các công ty chứng khoán được dự báo cũng sẽ thu hẹp lại. Bởi dư nợ margin toàn thị trường đã giảm 40% so với đỉnh và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong quý IV. Diễn biến giảm sâu của thị trường trong quý III đã khiến nhiều công ty chứng khoán phải bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi vốn vay khiến các nhà đầu tư càng thận trọng hơn trong việc sử dụng margin.
Việc thị trường ảm đạm và trở nên khó dự đoán hơn cũng khiến mảng tư vấn tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề. Mảng tự doanh, gồm cả cổ phiếu lẫn trái phiếu cũng gặp khó khăn trong quý III khi VN-Index giảm tới 6% trong quý III. Không quá khó hiểu nếu báo cáo năm nay của đa phần các công ty chứng khoán sẽ ghi nhận kết quả thua lỗ.
Theo Bloomberg từng nhận định thì chứng khoán Việt Nam đã giảm tới mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây khi tình trạng force sell đã diễn ra trên diện rộng trước mối lo ngại tăng lãi suất của ngân hàng. Điều này đã phản ánh qua việc chỉ số VN-Index giảm tới hơn 18% chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua. Thậm chí chỉ số VN-Index còn bị ghi nhận là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất trong số các chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Với bối cảnh thị trường đang bán mạnh, và còn nhiều khó khăn trong thời gian tới thì triển vọng phục hồi trở lại của các công ty chứng khoán trong thời gian ngắn hạn là khó có thể đạt được. Nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến cho rằng dù mức định giá hiện tại của thị trường được cho là hấp dẫn nhưng vẫn chưa là bằng chứng xác nhận cho việc tạo đáy.
Giám đốc của Agriseco, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng dù hiện tại, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm mạnh, nhưng cơ hội của nhóm này sẽ chỉ được mở ra nếu thị trường khởi sắc trở lại. Và ai cũng hiểu rằng thời gian tới sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mắt nên cho dù cổ phiếu chứng khoán đã ở mức định giá rất rẻ rồi nhưng vẫn chưa chắc đã là đáy.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm