Thị trường hàng hóa
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 745,1 triệu USD, giảm 1% so với tháng 12/2022. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm mạnh chủ yếu do so với mức cao kỷ lục đạt được trong 8 tháng đầu năm 2022, khi các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng nhằm đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháng 11 và 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã gần như tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam năm 2023
Tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Hoa Kỳ, Úc, Anh, Canada, Brazil, Nga… Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn giảm, nhưng mức giảm đã cải thiện đáng kể.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 12/2023, đạt 123,99 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,51 tỷ USD, giảm 11,2% so với năm 2022.
Tháng 12/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 113,4 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2022 đến nay. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,56 tỷ USD, giảm 26,9% so với năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm chậm lại so với mức 14,6% của tháng 11/2023, giảm 11,4% trong tháng 12/2023, đạt 91,1 triệu USD. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,34 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022.
Dự báo cơ hội tăng trưởng tại các thị trường lớn
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, những tín hiệu cuối năm 2023 cho thấy xuất khẩu thủy sản năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, mức độ phục hồi trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp do nhu cầu thị trường chưa phục hồi chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này khó phục hồi mạnh.
Tại thị trường Hoa Kỳ, dù nhu cầu nhập khẩu tăng nhưng thủy sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của các nguồn cung cấp khác như tôm Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó, những bất ổn của thị trường logistics cũng là thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Hiện cước tàu biển ở một số tuyến đã tăng mạnh do căng thẳng tại Biển Đỏ. Hàng loạt hãng vận tải lớn như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí từ tháng 1/2024 do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm