Thị trường hàng hóa
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với báo chí về giải pháp cung cầu thực phẩm và kiềm chế chỉ số CPI những tháng cuối năm 2022.
Trong bối cảnh hiện nay, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc duy trì nguồn cung thịt lợn cũng như ổn định giá cả mặt hàng này sẽ được Bộ triển khai như thế nào, thưa ông?
Năm 2021, sản lượng thịt các loại nói chung đạt 6,69 triệu tấn. Tính đến hết tháng 7/2022, đàn lợn vẫn tăng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; đàn trâu hàng năm giảm 2,5% nhưng năm nay chỉ giảm 1,1%. Dự kiến năm nay cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỷ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa.
Như vậy, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay khi giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chúng ta vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt là ở thời điểm Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, giá thịt lợn ở các nước xung quanh có sự biến động rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo và cử các đoàn đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới và đã có báo cáo Thủ tướng chính phủ về việc rà soát. Hiện, biên giới cũng đã được siết chặt, lợn không xuất khẩu lậu như trước nhưng vẫn có hiện tượng thịt lợn sau khi mổ sẽ được chặt mảnh chở sang Trung Quốc. Do đó, đồng thời với việc thúc đẩy chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn - chiếm khoảng 70% tỷ trọng sản phẩm thịt, thì việc rà soát, kiểm tra ở các tỉnh biên giới sẽ giúp vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định.
Trong những ngày vừa qua, giá lợn hơi đã giảm ở mức không quá cao mà cũng không quá thấp, cụ thể, ở mức giá lợn hơi 68.000 – 70.000 đồng/kg, giá thành trên dưới 60.000 đồng/kg, như vậy người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng có lợi.
Chỉ đạo từ nay đến Tết Nguyên đán của Bộ với các doanh nghiệp lớn cũng như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong việc vào đàn như thế nào, thưa ông?
Với tổng số khoảng 16 doanh nghiệp lớn chi phối tỷ trọng chăn nuôi lợn thì sản lượng đàn lợn vẫn đang trong đà tăng trưởng, như tôi nói ở trên tốc độ tăng trưởng 4,8% đối với đàn lợn và trên 28 triệu con. Mặt khác, chúng ta cũng đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đây là công cụ rất quan trọng để khống chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh cũng được khống chế tương đối tốt. Cùng với giá đầu ra tương đối thuận lợi như hiện nay, tốc độ tăng trưởng của đàn lợn nói chung sẽ rất cao.
Như trong năm 2021 chúng ta giết mổ 51 triệu con, năm nay chúng ta cũng phấn đấu trên 51 triệu con lợn thương phẩm. Như vậy, cả thịt lợn, thịt bò, thịt trâu… đều giữ được nhịp tăng trưởng phục vụ dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Việc việc triển khai đồng loạt các giải pháp thì chúng ta hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Đấy là về nguồn cung, còn mức giá thì như thế nào thưa ông?
Sau một thời gian tương đối dài, gần 2 năm giá lợn hơi ở mức thấp, nguyên liệu thức ăn đã tăng từ 30-45%, tuy nhiên, những tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi có giảm. Trong khi giá thành thịt lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg, chúng ta sẽ cố gắng đều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi ích từ việc chăn nuôi và không ảnh hưởng tới chỉ số CPI nói chung trong giỏ thực phẩm như Bộ Tài chính đánh giá nó chiếm khoảng 33%.
Thực tế, giá thịt lợn ở ngoài thị trường giảm chậm hơn so với giá lợn hơi và vẫn đứng ở mức 110.000 – 150.000 đồng/kg, vậy việc giảm giá thịt lợn vướng ở khâu nào thưa ông?
Hiện, kênh phân phối không phải như ngày xưa (thời bao cấp) mà có có sự chỉ đạo của nhà nước. Thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5-1,7 lần. Việc này, nhiều này nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm. Nhưng tôi chắn rằng khi giá lợn hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt lợn sẽ ở chợ sẽ ổn định theo.
Xin cám ơn ông!
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm