Thị trường hàng hóa
Những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ đã giảm hai quý liên tiếp nhưng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát. Vừa qua, tại hội nghị Ngân hàng Trung ương ở Jackson Hole (Mỹ) Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell có bài phát biểu vỏn vẹn 8 phút với thông điệp chính: cơ quan này sẽ không từ bỏ kiềm chế lạm phát để đổi lấy tăng trưởng.
Ông Powell lưu ý rằng FED không chỉ quan tâm tới số liệu của một hoặc hai tháng. Họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát tiến đến cột mốc 2% về dài hạn. Đồng thời, phát đi cảnh báo rõ ràng rằng việc Fed tiếp tục siết chặt tín dụng sẽ gây tổn thương cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp vì lãi suất cao hơn tiếp tục khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp.
Các quan chức Fed có khả năng sẽ cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tiếp theo từ ngày 20/9 đến 21/9. Phát biểu của ông Powell đã gây chấn động thị trường chứng khoán New York khiến cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh từ 3% giá trị trở lên.
Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Giáo sư Joseph Stiglitz nhận định, chính sách tiền tệ theo lý thuyết thông thường này chỉ làm áp lực lạm phát thêm lớn hơn. Ông lo ngại Fed có thể nâng lãi suất lên quá cao, quá nhanh và quá xa.
Giáo sư Stiglitz đồng ý việc lãi suất cần phải được điều chỉnh từ mức gần 0 trong nhiều năm lên các mức cao hơn trong điều kiện mới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra ba lý do giải thích cho việc Fed tăng mạnh lãi suất có thể dẫn tới lạm phát cao hơn.
Thứ nhất, vị giáo sư này cho rằng, tại Mỹ, nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát hiện nay là các vấn đề đứt gãy nguồn cung. Giá dầu thô và lương thực đều lên cao, thậm chí nảy sinh tình trạng thiếu hụt sữa công thức cho trẻ sơ sinh, nguyên nhân đều là các vấn đề từ phía nguồn cung.
Ông khẳng định, nâng lãi suất không đem lại nhiều dầu thô, nhiều thực phẩm hơn khiến cho việc giảm giá xăng dầu và lương thực trở nên khó khăn. Rủi ro thực sự ở đây là lãi suất cao sẽ làm cho tình hình càng thêm tồi tệ. Ông cho rằng, nước Mỹ cần phải đầu tư vào những lĩnh vực đang chịu nút thắt về nguồn cung và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, lãi suất cao khiến cho hoạt động đầu tư này khó khăn hơn.
Thứ hai, theo Giáo sư Joseph Stiglitz, biên lợi nhuận của các tập đoàn lớn đang tăng lên theo chi phí đầu vào. Các tập đoàn lớn không chỉ chuyển chi phí tăng lên cho người tiêu dùng mà còn tăng giá lên cao hơn nữa. Có một lý thuyết rõ ràng đã chỉ ra rằng khi lãi suất tăng, các doanh nghiệp ngày nay sẽ tận dụng cơ hội để nâng giá nhiều hơn. Do đó, nâng lãi suất trong các thị trường không cạnh tranh sẽ dẫn tới lạm phát còn cao hơn.
Nguyên nhân cuối cùng là nguy cơ giá nhà ở đi lên theo lãi suất, mà chi phí nhà ở (bao gồm tiền thuê nhà và tiền trả lãi vay mua nhà hàng tháng) lại là một cấu phần chiếm tới 1/3 trọng số khi tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Lạm phát tại Mỹ hiện nay đang ở vùng đỉnh 40 năm một phần là do chi phí nhà ở lên cao.
Khi lãi suất đi lên, tác động lập tức được phản ánh vào giá thuê nhà. Từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất thêm 225 điểm cơ bản trong 4 lần liên tiếp. Trong tháng 6 cũng như tháng 7, Ngân hàng Trung ương Mỹ đều tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cho thấy, cơ quan này sẽ tăng mạnh lãi suất cho đến khi lạm phát rõ ràng đã được kiểm soát và sẽ không sớm đảo chiều chính sách như một số nhà đầu tư kỳ vọng. Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ không nới lỏng quá sớm, cảnh báo “đau đớn” trong nỗ lực chế ngự lạm phát
Ông Powell cũng thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại và thị trường lao động sẽ suy yếu nhưng đây là những cái giá “đau đớn” mà Mỹ phải trả để bình ổn giá cả. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra thêm 315.000 việc làm trong tháng 8 bất chấp GDP suy giảm trong cả hai quý đầu năm.
Giáo sư Joseph Stiglitz cho rằng số liệu này không thể hiện sự mạnh mẽ của thị trường lao động như nhiều người lầm tưởng. Bởi một chỉ báo quan trọng mà mọi người không để ý tới là tiền lương thực tế. Trong điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ, tiền lương thực tế sẽ đi lên. Hiện nay, tiền lương thực tế đang giảm dù đã được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm