Thị trường hàng hóa
Công ty lỗ thảm, cổ phiếu vẫn vượt mốc 1 triệu đồng
Công ty cổ phần VNG (được biết nhiều với tên gọi Vinagame) từng nhận được sự chú ý từ dư luận khi được nhà đầu tư nước ngoài mua vào với mức giá kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam: gần 2 triệu đồng/CP. Nhờ định giá này, VNG sớm trở thành kỳ lân hiếm hoi của Việt Nam.
VNG có nhiều kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán lớn. Nhưng cuối cùng, “điểm đến” của VNG lại là UpCOM, sàn giao dịch có điều kiện giao dịch “thoáng” nhất. VNG chọn UpCOM vì công ty thua lỗ triền miên.
Trong quý 4/2022, VNG lỗ 547 tỷ đồng, lũy kế cả năm lỗ 1.315 tỷ đồng, cao gấp 18 lần số lỗ năm 2021.
Bất chấp thua lỗ, VNZ liên tục tăng trần. Tới đầu phiên 13/2, VNZ tiếp tục giao dịch trong sắc tím và dễ dàng vượt mốc 1 triệu đồng/CP. Như vậy, VNZ là cổ phiếu đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam chinh phục mốc cao kỷ lục này và là cổ phiếu có thị giá lớn nhất.
Hiện tại, VNZ giao dịch ở mức 1.027.400 đồng/CP, tăng 787.400 đồng/CP, tương đương 328% so với giá chào sàn. Nhờ đó, vốn hóa thị trường của VNG lên tới 36.826 tỷ đồng (khoảng 1,56 tỷ USD).
Cùng với đó, ông Lê Hồng Minh, CEO Công ty VNG chứng kiến khối tài sản tăng mạnh từ 846 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng, từ đó lọt vào Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ông Lê Hồng Minh đứng ngay trên những vị doanh nhân nổi tiếng như bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện REE (3.100 tỷ đồng), ông Nguyễn Đức Kiên – bầu Kiên, cổ đông của ngân hàng ACB (3.100 tỷ đồng),…
Nhà đầu tư ngoại lỗ thảm
Mặc dù cổ phiếu VNZ tăng sốc nhưng vẫn còn rất xa so với những gì mà nhà đầu tư nước ngoài phải bỏ ra để sở hữu VNZ.
Cụ thể, năm 2021, công ty quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/CP. Như vậy, giá cổ phiếu đã giảm 672.600 đồng/CP, tương đương 39,6% khiến giá trị đầu tư của Mirae Asset giảm 486 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, VNG đã bán cho Temasek (Singapore) 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/CP cho Temasek. Như vậy, khoản đầu tư của Temasek đã giảm 44,8% giá trị (tương ứng 297 tỷ đồng).
Dù đang lỗ thảm nhưng khối ngoại không có lý do để lo lắng khi mà VNZ vẫn có dư địa để tăng tiếp, thậm chí tăng đến mức không tưởng… 10 triệu đồng/CP khi mà nguồn cung gần như không có, lực cầu cũng yếu ớt.
Diễn biến giao dịch cho thấy, VNZ gần như không chịu áp lực bán ra.
Cụ thể, VNG chào sàn UpCOM với mã chứng khoán VNZ trong ngày 27/1/2023. Thế nhưng, trong 3 phiên đầu tiên, không có bất cứ cổ phiếu nào được giao dịch. Dư cầu vẫn có khá nhiều nhưng dư cung là 0 đơn vị nên VNZ không phát sinh giao dịch.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/2/2023, mỗi phiên, cổ đông bán ra mức tối thiểu 100 cổ phiếu, để từ đó VNZ có thể khớp lệnh thành công. Sau phiên đầu tiên tăng giá 40%, các phiên còn lại tăng 15% mỗi phiên, VNZ đã tăng gần gấp 3 lần chỉ sau vài ngày.
Tới ngày 10/2, khối lượng giao dịch lần đầu phá mốc 100 đơn vị nhưng vẫn rất khiêm tốn, chỉ đạt 300 đơn vị. Tới sáng 13/2, khối lượng tăng vọt lên 5.800 cổ phiếu. Đây cũng là mức rất thấp.
VNZ đã phải làm văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (theo quy định, doanh nghiệp phải giải trình nếu cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp).
VNG cho cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
VNG khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm