Thị trường hàng hóa
Tâm lý tiêu cực, rủi ro bao trùm
Trước phiên giao dịch ngày 11/11, các công ty chứng khoán đã đưa ra các khả năng chỉ số VN-Index có thể xảy ra để các nhà đầu tư có góc nhìn tham khảo trước khi đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI), trong phiên giao dịch trước đó, các chỉ số giảm điểm ngay từ đầu phiên và giảm mạnh dần lên trong phiên với kết thúc phiên thiết lập mức điểm thấp mới cho năm 2022. Đà giảm của chỉ số VN-Index vẫn tập trung từ sức ép bán tháo của nhóm ngành bất động sản ngay từ đầu phiên và đã dần lan rộng ra toàn thị trường. Số lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm hoàn toàn ưu thế và rất nhiều cổ phiếu giảm hết biên độ khi đóng cửa.
VN-Index kết phiên ở 947.24 điểm (-38.35 điểm) và VN30 đóng cửa 936.8 điểm (-42.88 điểm). Thanh khoản giao dịch cải thiện nhẹ trở lại và sàn HSX ghi nhận mức giá trị giao dịch là 9,600 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường trên cả 3 sàn đều rất tiêu cực. Trên sàn HSX, số mã giảm điểm chiếm 88%, số mã tăng điểm chiếm 4% và còn lại 8% là số mã tham chiếu. Khối nhà đầu tư ngoại mua ròng nhẹ hơn 10 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các cổ phiếu: KBC; VHC; DPM; DCM; POW … Ở chiều ngược lại, họ bán ròng ở các cổ phiếu: HPG; STB; MSN; CTG; HSG…
Theo ông Du, chỉ số VN-Index thiết lập đáy mới khi đóng cửa khiến cho bối cảnh thị trường chuyển sang tiêu cực hơn. Trong nội tại thị trường số lượng cổ phiếu giảm sàn áp đảo cho thấy áp lực bán quá lớn trong khi dòng tiền quá mỏng để ngăn đà rơi.
"Dưới góc độ phân tích kỹ thuật việc kết thúc phiên ở vùng giá thấp trong phiên hôm nay sẽ tạo áp lực rất lớn cho phiên cuối tuần 11/11. Chúng tôi cho rằng tâm lý tiêu cực đang tiếp tục quay trở lại và bao trùm khắp thị trường với rủi ro hiện vẫn ở mức cao cho nhà đầu tư ngắn hạn", ông Du nhận định.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), chỉ số VN-Index trở về ngưỡng hỗ trợ 950 điểm và có thể kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ này trong các phiên giao dịch tới. BSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt và chờ đợi tín hiệu tích cực hơn của thị trường.
Nhận định về thị trường ngày 11/11, Công ty cổ phần chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, điểm số giảm mạnh và tiến về vùng tiệm cận biên dưới của mô hình giảm giá ngắn hạn khiến khả năng chạm về vùng này trở nên rõ ràng hơn trong phiên ngày 11/11, với mục tiêu giá ở quanh 920 điểm.
"Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quan sát thị trường, có thể tham gia bắt đáy với tỷ trọng nhỏ khi VN-Index giảm về vùng 920", BOS khuyến nghị.
Định giá cổ phiếu BMI
Dựa vào những dữ liệu về kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), Công ty cổ phần chứng khoán Đà Nẵng (DSC) đã có phân tích, nhận định về cổ phiếu BMI của doanh nghiệp này.
BMI được thành lập năm 1994 với vốn điều lệ 434 tỷ đồng. BMI hoạt động trên 4 lĩnh vực chính là bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ, đầu tư tài chính và các hoạt động khác. Trong đó, doanh nghiệp này phát triển trọng tâm vào hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ.
DSC cho rằng, BMI có những điểm nhấn tích cực như: BMI đang tích cực hợp tác qua kênh bancassuarance với nhiều ngân hàng trong nước như: OCB, MSB, HDB,… Thị phần bảo hiểm BMI được duy trì khá ổn định qua các năm. 9T/2022, thị phần BMI tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 8,53%.
Đáng chú ý, trong tương lai, BMI sẽ tập trung vào mảng xe cơ giới và sức khỏe con người. Đây cũng là hai nghiệp vụ có biên lợi nhuận cao (6T/2022 đạt lần lượt 79% và 62%).
Cập nhật kết quả kinh doanh, trong 9T/2022, doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 3.241 tỷ (+20% YoY) và 203 tỷ (+26% YoY).
Cơ cấu lợi nhuận Q3/2022 của BMI có sự chuyển dịch lớn với tỷ trọng lợi nhuận từ hoạt động tài chính chiếm ưu thế (67%). Lợi nhuận từ hoạt động tài chính nhảy vọt, đạt 80 tỷ (+158% QoQ/+48% YoY). Danh mục đầu tư tài chính của BMI phân bổ tỷ trọng lớn vào khoản tiền gửi ngân hàng với lãi suất 4,3% - 7,8%/năm.
Doanh thu và lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm Q3/2022 đạt lần lượt 1.172 tỷ (+39% YoY) và 38 tỷ (+31% YoY). Lợi nhuận mảng bảo hiểm khá biến động. Tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu thuần trung bình đạt 95% (cao hơn so với trung bình ngành là 87%).
Với môi trường lãi suất tăng, BMI là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi do nắm giữ lượng tiền gửi ngân hàng lớn. Ước tính 9T/2022, khoản tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi đạt 3.156 tỷ (chiếm 92% danh mục đầu tư). Doanh thu và lợi nhuận hoạt động tài chính Q3/2022 đạt lần lượt 121 tỷ (+75% yoy) và 80 tỷ (+51% yoy).
Theo DSC, từ 2009-2021, BMI duy trì kế hoạch trả cổ tức Tiền tỷ lệ 10% - 20%. Tỷ lệ trả cổ tức cho thấy dòng tiền ổn định của doanh nghiệp. Tỷ suất cổ tức đạt 4%-8%, phù hợp cho nhà đầu tư muốn cầm cổ phiếu dài hạn.
Bên cạnh đó, P/B của BMI trong tháng 11 đạt 1,13 lần (cập nhật ngày 10/11 là 0,95), thấp hơn mức P/B trung bình 5 năm là 1,22 lần và mức P/B trung bình ngành là 1,21.
Năm 2022, DSC ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BMI đạt lần lượt 4.381 tỷ (+7% YoY) và 267 tỷ (+5% YoY), BVPS (giá trị sổ sách của một cổ phiếu) 2022 của BMI là 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương P/B fw là 1,1x lần. Giá mục tiêu của BMI 2022 là 26.800 đồng/cổ phiếu.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm