Thị trường hàng hóa
Dòng tiền đột ngột bốc hơi
Thị trường chứng khoán 7/4 bắt đầu đúng như lo ngại của nhà đầu tư. Sau một phiên giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao, áp lực xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Sắc đỏ loang rộng bảng giao dịch điện tử.
Tuy nhiên, áp lực bán ra trong phiên chứng khoán 7/4 không quá lớn nên VN-Index không giảm quá sâu. Đống thời, lực cầu khiêm tốn nên cũng không đủ sức lấy lại sắc xanh cho sàn TP.HCM.
Đóng cửa phiên chứng khoán 7/4, VN-Index giảm 1,2 điểm, tương đương 0,11% xuống 1.069,71 điểm. VN30-Index may mắn giữ được sắc xanh nhưng đà tăng là vô cùng khiêm tốn. VN30-Index chỉ tăng 0,02 điểm lên 1.078,88 điểm.
Toàn sàn TP.HCM có tới 219 mã giảm giá, 54 mã đứng giá và 159 mã tăng giá (8 mã tăng trần). Nhóm VN30 ghi nhận 12 mã tăng giá, 4 mã đứng giá và 14 mã giảm giá.
Điểm đáng chú ý nhất của thị trường chứng khoán 7/4 là dòng tiền đột ngột “bốc hơi” sau một phiên đạt kỷ lục. “Chỉ” có 646 triệu cổ phiếu, tương đương 10.782 tỷ đồng được giao dịch, giảm 353 triệu cổ phiếu, tương đương 35,3% về khối lượng giao dịch và giảm 5.016 tỷ đồng, tương đương 31,8% về giá trị giao dịch.
Thanh khoản nhóm VN30 cũng “cài số lùi” khi “chỉ” có 147 triệu cổ phiếu, tương đương 3.756 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Sàn Hà Nội lạc quan hơn sàn TP.HCM một chút khi các chỉ số đều giữ được sắc xanh và thanh khoản sụt giảm nhẹ hơn.
Chốt phiên chứng khoán 7/4, HNX-Index tăng 0,17 điểm, tương đương 0,08% lên 211,6 điểm. HNX30-Index tăng 3,63 điểm, tương đương 0,95% lên 384,76 điểm. Toàn sàn Hà Nội có 110 triệu cổ phiếu, tương đương 1.527 tỷ đồng được trao tay, giảm 42 triệu cổ phiếu, tương đương 27,6% về khối lượng và giảm 611 tỷ đồng, tương đương 28,6% so với hôm qua.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 1 tuần giao dịch nhiều cảm xúc sau khi Ngân hàng Nhà nước một lần nữa điều chỉnh lãi suất điều hành, từ đó khiến hệ thống ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động.
Cổ phiếu chứng khoán tím sàn
Thông tin giảm lãi suất huy động đã nâng đỡ cổ phiếu bất động sản trong vài phiên của tuần này. Tới phiên chứng khoán 7/4, đến lượt cổ phiếu chứng khoán “dậy sóng”. Hàng loạt mã tăng trần.
Đóng cửa phiên chứng khoán 7/4, BSI tăng 1.750 đồng/CP lên 26.750 đồng/CP. Từ nửa cuối tháng 3/2023, cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có 6 phiên đóng cửa trong sắc tím.
FTS cũng tăng trần, tăng 1.750 đồng/CP lên 27.450 đồng/CP. VDS tăng 580 đồng/CP lên 8.880 đồng/CP. APS tăng 1.200 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP.
Trong phiên, CTS có nhiều thời điểm giao dịch trong sắc tím nhưng tới cuối phiên, CTS đi lùi một chút nhưng vẫn tăng tới 1.100 đồng/CP, tương đương 6,7% lên 17.600 đồng/CP, rất gần với mức giá trần 17.650 đồng/CP.
Anh cả ngành chứng khoán là SSI không giao dịch trong sắc tím nhưng cũng đã có sự ngược dòng thành công. Đầu phiên, SSI giảm nhẹ. Tới cuối phiên, SSI tăng 650 đồng/CP, tương đương 3% lên 22.500 đồng/CP.
Trong phiên chứng khoán 7/4, cổ phiếu bất động sản hạ nhiệt nhanh chóng, nhường sức nóng của cổ phiếu chứng khoán. Thế nhưng, vẫn có một mã đi ngược xu hướng. Đó là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng.
Đóng cửa phiên chứng khoán 7/4, DIG tăng trần, tăng 1.100 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP. Trong các phiên gần đây, dù không giao dịch trong sắc tím nhưng DIG vẫn đi lên khá mạnh. Chỉ trong vài phiên đầu tháng 4, DIG đã tăng 3.500 đồng/CP, tương đương 25,9%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm