Thị trường hàng hóa
Chứng khoán 23/3 “quay xe” bất thình lình
Thị trường chứng khoán 23/3 bắt đầu với tâm lý bi quan. Thông tin được quan sát nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu suốt hơn 1 tháng qua đã đi đến hồi kết. Đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố tăng 0,25% lãi suất đồng USD. Động thái này của FED “nhấn chìm” chứng khoán toàn cầu và đẩy đồng USD sụt giảm mạnh.
Phiên chứng khoán 23/3 mở cửa với tâm lý bi quan đó. Trong phần lớn thời gian giao dịch, bảng giao dịch điện tử chìm trong sắc đỏ. VN-Index giảm gần 10 điểm. Thế nhưng, khi chỉ còn vài phút nữa là đến phiên ATC, VN-Index đột ngột “quay xe”. Sắc xanh bất ngờ trở lại.
Đóng cửa phiên chứng khoán 23/3, VN-Index tăng 4,56 điểm, tương đương 0,44% lên 1.045,1 điểm. VN30-Index tăng 3,46 điểm, tương đương 0,33% lên 1.046,6 điểm. Toàn sàn ghi nhận 179 mã tăng giá, 82 mã đứng giá và 195 mã giảm giá.
Sàn Hose không đến mức “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng số lượng mã giảm giá nhiều hơn số lượng mã tăng giá mà VN-Index vẫn xanh sàn cho thấy đà tăng tập trung chủ yếu vào cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30. Nhóm VN30 có 17 mã tăng giá, 5 mã đứng giá và 8 mã giảm giá.
Có thể thấy, ở thời điểm cuối phiên chứng khoán 23/3, blue-chips mạnh lên bất ngờ đã nâng đỡ VN-Index. Đầu phiên chiều, nhóm VN30 có thời điểm chỉ ghi nhận 4 mã tăng nhưng số lượng tăng vào cuối phiên đã đạt tới 17 mã.
Sau 3 phiên đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hôm nay, cổ phiếu VHM của Vinhomes tạm thời “nghỉ ngơi” nhường vị thế đó cho VCB của Vietcombank. Dù vậy, VHM vẫn tăng 350 đồng/CP, tương đương 0,7%. Trong khi đó VCB tăng 1.700 đồng/CP, tương đương 1,9% lên 85.900 đồng/CP.
Phiên chứng khoán 23/3 không có cổ phiếu nào “tỏa sáng” rõ nét. Vì vậy, cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings được chú ý nhất. Sau khi có thông tin Shark Thủy đồng loạt mở cửa trở lại 29/31 trung tâm Apax English và Apax Leaders, IBC tăng trần, tăng 180 đồng/CP lên 2.820 đồng/CP.
Một điểm đáng lưu ý nữa của thị trường chứng khoán 23/3 là thanh khoản. Trong phiên sáng, thanh khoản đứng ở mức rất thấp. Tới chiều, dòng tiền chảy vào nhiều hơn nhưng tính chung cả phiên, khối lượng giao dịch chỉ đạt 431 triệu cổ phiếu, tương đương 7.789 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index thậm chí còn không lấy lại được sắc xanh dù được cổ phiếu vốn hóa lớn nâng đỡ. Đóng cửa phiên chứng khoán 23/3, HNX-Index giảm 0,64 điểm, tương đương 0,31% xuống 203,32 điểm. HNX30-Index tăng 0,57 điểm, tương đương 0,16% lên 360,01 điểm.
Chứng khoán Á loạn xu hướng
Trong phiên chứng khoán 23/3 ở thị trường trong nước, VN-Index đảo chiều phút chót. Còn trên thế giới, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Đầu phiên, chứng khoán Châu Á –Thái Bình Dương chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, tới cuối phiên, một số chỉ số may mắn lấy lại được sắc xanh khiến chứng khoán châu Á loạn xu hướng.
Các thị trường châu Á-Thái Bình Dương diễn biến trái chiều vào thứ Năm, sau phản ứng của Phố Wall chỉ sau một đêm sau khi FED tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực ở Mỹ cũng giảm sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trả lời câu hỏi rằng các quan chức không xem xét "bảo hiểm toàn diện" cho tiền gửi ngân hàng.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông dẫn đầu mức tăng ở châu Á, tăng 2,11% và chỉ số Hang Seng Tech tăng 4,41%, chủ yếu là do sự gia tăng của gã khổng lồ công nghệ Tencent.
Ở Trung Quốc đại lục, Hợp phần Thâm Quyến cao hơn 0,8% để kết thúc ở mức 11.605,29 và Shanghai Composite đóng cửa tăng 0,64% lên 3.286,65 vào cuối ngày.
S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,61%, đóng cửa ở mức 6.972,5. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,17% xuống 27.419,61 và Topix giảm 0,29% xuống 1.957,32.
Kospi của Hàn Quốc đóng cửa tăng 0,31%, trong khi Kosdaq giảm 0,15% và kết thúc ngày ở mức 812,18.
Qua đêm tại Mỹ, cả ba chỉ số chính đều thua lỗ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 500 điểm, tương đương 1,63%, trong khi S&P 500 giảm mạnh hơn 1,65% và Nasdaq Composite giảm 1,6%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm