Thị trường hàng hóa
Xanh vỏ đỏ lòng
Từ cuối tuần trước, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê, đa số các năm kể từ khi thị trường ra đời, chỉ số VN-Index thường có xu hướng tăng và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư ở thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Nhưng trong năm 2023, “lịch sử” này chưa chắc đã lặp lại vì nhiều phiên gần đây, VN-Index dù tăng hay giảm điểm thì thanh khoản luôn là vấn đề lớn. Đặc biệt, chứng khoán 12/1 một lần nữa ghi nhận tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”. Nghĩa là VN-Index xanh sàn nhưng số lượng mã giảm giá vẫn chiếm ưu thế hơn so với số lượng mã tăng giá.
Cụ thể, đóng cửa phiên chứng khoán 12/1, VN-Index dừng ở mức 1.056,39 điểm, tăng 0,63 điểm, tương đương 0,06%. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” được thể hiện rõ ở chỗ dù VN-Index chốt phiên trong sắc xanh nhưng số toàn sàn có tới 222 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và chỉ 156 mã tăng giá, 68 mã đứng giá.
Thanh khoản tiếp tục đi lùi. Chỉ có 506 triệu cổ phiếu, tương đương 8.712 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Nỗ lực khiến VN-Index lấy được sắc xanh tại thời điểm cuối phiên đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN30-Index có tốc độ đi lên mạnh hơn. VN30-Index tăng 1,02 điểm, tương đương 0,1% lên 1.066,24 điểm. Có 137 triệu cổ phiếu, tương đương 3.157 tỷ đồng được giao dịch.
Sàn Hà Nội cũng đóng cửa trong sắc xanh. HNX-Index tăng 0,27 điểm, tương đương 0,13% lên 211,94 điểm. HNX30-Index tăng 1,93 điểm, tương đương 0,55% lên 355,19 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội cũng ở mức thấp. Có 54,9 triệu cổ phiếu, tương đương 913 tỷ đồng được giao dịch thành công.
HPG không tăng nhưng vẫn đáng “ghen tị”
Như đã nêu trên, chứng khoán 12/1 thoát sắc đỏ nhờ nỗ lực của một số blue-chips như VPB, VHM, ACB,… VHM tăng 700 đồng/CP lên 51.500 đồng/CP. VPB tăng 250 đồng/CP, tương đương 1,4% lên 18.700 đồng/CP. ACB tăng 300 đồng/CP, tương đương 1,2% lên 24.500 đồng/CP,…
Thế nhưng, trong nhóm VN30 vẫn có tới 14 blue-chips chốt phiên trong sắc đỏ. Một số mã giảm sâu có thể kể đến như KDH (giảm 4,6%), MSN (giảm 2,8%),…
Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong phiên chứng khoán 12/1 không phải mã tăng trần hoặc mã giảm sâu nào đó mà chính là HPG của Tập đoàn Hòa Phát dù cổ phiếu đang đi lùi rất nhẹ. HPG giảm 150 đồng/CP, tương đương 0,7% xuống 20.050 đồng/CP.
HPG trở thành đáng “ghen tị” vì bất chấp tăng hay giảm đều nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Tính tới ngày 12/1/2023, khối ngoại đã có chuỗi mua ròng HPG 17 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Chỉ riêng trong phiên 12/1, khối ngoại đã mua vào hơn 4,8 triệu cổ phiếu HPG.
HPG được nhà đầu tư nước ngoài săn đón trong phiên chứng khoán 12/1 trước thông tin tình hình bán hàng đang dần được cải thiện dù cả năm vẫn suy giảm.
Cụ thể, theo thông tin mới được Hòa Phát công bố, tháng 12/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 558.000 tấn, tăng 26% so với tháng 11.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, HRC. Kết quả suy giảm là bởi năm qua, thị trường có nhiều biến động, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của Tập đoàn.
Nhờ những nỗ lực của khối ngoại, cổ phiếu HPG đã có diễn biến khác tích cực trong những ngày đầu năm 2023. Sau gần nửa tháng đầu tiên của năm mới, HPG đã tăng 2.050 đồng/CP, tương đương 11,4% so với phiên cuối cùng của năm 2022. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát có thêm 11.920 tỷ đồng.
Theo thống kê của Tạp chí Forbes, kết thúc phiên giao dịch chứng khoán 12/1, tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát có thêm 22 triệu USD lên 1,7 tỷ USD. Ông Long đang là người giàu thứ 3 Việt Nam, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm