Thị trường hàng hóa
Cổ phiếu bán lẻ hưng phấn
Không phải cổ phiếu ngân hàng, không phải cổ phiếu bất động sản, không phải cổ phiếu chứng khoán, tâm điểm của thị trường chứng khoán 10/4 là cổ phiếu ngành bán lẻ. Nhiều mã đồng loạt tăng rất mạnh sau một thông tin gây chú ý.
Cụ thể, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế GTGT năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.
Thông tin này đã phủ một bức tranh màu hồng lên ngành bán lẻ sau chuỗi ngày nhiều cổ phiếu bán lẻ trải qua loạt thăng trầm.
Đầu phiên, các blue-chips ngành bán lẻ như MSN, MWG, FPT, PNJ, SAB,… đều giao dịch trong sắc xanh. Tuy nhiên, tới cuối phiên, rất ít blue-chips duy trì được đà tăng. MWG là một trong số ít các mã may mắn đó.
Đóng cửa phiên chứng khoán 10/4, MWG tăng 2.000 đồng/CP, tương đương 5,1% lên 41.000 đồng/CP. Gần đây, lãnh đạo MWG đã đưa ra những dự báo kém lạc quan về ngành bán lẻ điện máy.
Trong khi cố phiếu vốn hóa lớn đuối sức, cổ phiếu vốn hóa tầm trung (mid-caps) vẫn duy trì được đà hưng phân. DGW của Công ty cổ phần Thế giới số tăng trần, tăng 2.150 đồng/CP lên 33.450 đồng/CP. Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt, đạt gần 3,5 triệu cổ phiếu, cao gần 1,5 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây.
Không tăng trần nhưng FRT, công ty con của FPT vẫn đi lên khá mạnh mẽ. Đóng cửa phiên chứng khoán 10/4, FRT tăng 2.600 đồng/CP, tương đương 4,1% lên 66.000 đồng/CP.
Cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng duy trì được sắc xanh khi tăng 700 đồng/CP, tương đương 0,92% lên 77.200 đồng/CP.
Không “cứu” được VN-Index
Đầu phiên, cổ phiếu bán lẻ hưng phấn, góp phần không nhỏ giúp VN-Index có lúc lấy lại được sắc xanh. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán 10/4 ngày càng lớn khiến những nỗ lực của cổ phiếu bán lẻ trở thành vô nghĩa.
Đóng cửa phiên chứng khoán 10/4, VN-Index đóng cửa ở mức 1.065,35 điểm sau khi giảm 4,36 điểm, tương đương 0,41%. VN30-Index giảm 1,47 điểm, tương đương 0,14% xuống 1.077,41 điểm.
Toàn sàn ghi nhận tới 215 mã giảm giá, 58 mã đứng giá và 173 mã tăng giá. Nhóm VN30 có tới 20 mã giảm giá, chỉ 5 mã tăng giá và 5 mã đứng giá.
Thị trường chứng khoán 10/4 ghi nhận dòng tiền lại chảy vào. Có tới 857 triệu cổ phiếu, tương đương 15.056 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 có 220 triệu cổ phiếu, tương đương 5.655 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Công ty chứng khoán VCBS bình luận thị trường giảm điểm cùng với việc thanh khoản gia tăng đáng kể cho thấy tâm lý chốt lời, bán ngắn hạn vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu chững lại.
Theo VCBS, thanh khoản bán chủ động gia tăng đáng kể ở nhóm cổ phiếu thép với mức giảm xấp xỉ 1,6%. Cùng chung xu hướng với thị trường, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng từ đầu phiên chiều với thanh khoản 315 tỷ đồng, tập trung bán HPG, KDH, STB.
VCBS cho biết xét về khung đồ thị giờ, các chỉ báo vẫn đang suy yếu, hướng xuống tiêu cực và chưa cho dấu hiệu tạo đáy phân kỳ cho thấy nhịp điều chỉnh rung lắc vẫn còn tiếp tục trong các phiên tới.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN-Index có cơ hội hướng lên các mốc điểm cao phía trên. Vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh khu vực 1.050 - 1060. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn, có thể lướt sóng bán 1 phần cổ phiếu và mua lại với giá chiết khấu tốt hơn khi thị trường có tín hiệu kiểm tra thành công vùng hỗ trợ gần nhất và bật tăng trở lại”, VCBS đưa ra dự báo.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm