Thị trường hàng hóa
VN-Index giảm điểm trong khi châu Á xanh rì
Trong 2 phiên gần đây, VN-Index đã cho thấy dấu hiệu đuối sức. Sau khi giằng co mạnh, chứng khoán 10/1 chứng kiến VN-Index giảm 0,86 điểm, tương đương 0,08% xuống 1.053,35 điểm. Toàn sàn có 217 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 174 mã giảm. Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp. Chỉ có hơn 546 triệu cổ phiếu, tương đương 9.711 tỷ đồng được giao dịch thành công.
VN30-Index giảm 0,61 điểm, tương đương 0,06% xuống 1.060,53 điểm. Có hơn 157 triệu cổ phiếu, tương đương 3.953 tỷ đồng được chuyển nhượng. Nhóm VN30 có 13 mã tăng giá, 11 mã giảm giá và 6 mã đứng giá.
Trong khi đó, sàn Hà Nội có diễn biến ngược chiều với sàn TP.HCM. Nếu hôm qua, HNX-Index dừng trong sắc đỏ dù VN-Index đóng cửa trong sắc xanh thì hôm nay, điều ngược lại đã xảy ra. HNX-Index tăng 0,96 điểm, tương đương 0,46% lên 210,63 điểm. HNX30-Index tăng 2,76 điểm, tương đương 0,8% lên 349,57 điểm.
Trong khi đó, chỉ số hàng đầu của châu Á-Thái Bình Dương đã bước vào đợt tăng giá mạnh tuần này. Nguyên nhân là do chứng khoán Trung Quốc phục hồi sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa biên giới và đồng USD suy yếu.
Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đạt mức cao 162,33 vào thứ Ba, cao hơn khoảng 21% so với mức thấp nhất trong 52 tuần là 133,93 đạt được vào ngày 24/10/2022, theo dữ liệu của Refinitiv. Một thị trường giá lên được định nghĩa về mặt kỹ thuật là mức tăng từ 20% trở lên từ mức thấp gần đây. Nghĩa là MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã bước vào “thị trường giá lên”.
Chỉ số này đã tăng 1,87% vào thứ Ba và kết thúc phiên châu Á ở mức 161,77. Trong chứng khoán khu vực, chỉ số Hang Seng đạt mức cao nhất trong ngày là 21.470,69 vào thứ Hai, cao hơn 47% so với cuối tháng 10.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China cũng chạm đáy 4.468,54 vào ngày 24/10, nhưng kể từ đó đã tăng hơn 70% để đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai tại Mỹ ở mức 7.669,75.
“Thị trường hướng tới một kỳ suy thoái nhẹ ở một số nơi trên thế giới, trong khi lạm phát tiếp tục giảm và nền kinh tế Trung Quốc đang khởi đầu thành công”, Nhóm chiến lược cổ phiếu APAC của Saxo Capital Markets đã viết trong một báo cáo hôm thứ Ba.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo: “Đà tăng diễn ra nhanh chóng và dữ dội, vì vậy việc mong đợi một số hoạt động chốt lời là điều đương nhiên”.
Dấu ấn Shark Thủy
Chứng khoán 10/1 ghi nhận các cổ phiếu lớn im ắng. Nhóm VN30 dao động trong biên độ hẹp, hoặc tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ. Điểm nhấn được nhường cho cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings.
Tháng 12/2022 là khoảng thời gian “đau khổ” của cổ đông IBC khi cổ phiếu này có chuỗi 25 phiên giảm sàn liên tiếp. Tuy nhiên, cơ hội đã trở lại với họ khi IBC bất ngờ đảo chiều từ ngày 29/12. Cho đến 10/1/2023, IBC đã có chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp. IBC tăng 260 đồng/CP lên 4.110 đồng/CP.
Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư bán IBC hoàn toàn trống trơn trong khi bên dư mua giá trần lên đến gần 5 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch ngày càng thấp cho thấy không còn hoạt động bán tháo cổ phiếu của Shark Thủy nữa.
Trong khi đó, một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng nhỏ cũng đóng cửa trong sắc tím. LGL có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp sau khi tăng 260 đồng/CP lên 4.070 đồng/CP. CX8 tăng 600 đồng/CP lên 6.600 đồng/CP. DRH tăng 340 đồng/CP lên 5.230 đồng/CP,…
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) bình luận việc thanh khoản thị trường suy giảm trở lại cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang chờ cơ hội bên ngoài. Nhìn chung, VN-Index trong ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn xu hướng hồi phục và đang gặp khó khăn tại vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.070 điểm.
Theo TVSI, nhóm ngành hỗ trợ lớn nhất cho chỉ số vẫn giữ vững tại vùng giá trị hiện tại vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng và đà tăng vẫn thiếu sự lan tỏa.
“Trong các phiên giao dịch kế tiếp, chúng tôi dự báo xu hướng đi ngang như hiện tại vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và kỳ vọng VN-Index có thể vượt vùng kháng cự vào cuối tuần”, TVSI dự báo.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm