Thị trường hàng hóa
Bán tháo trên diện rộng, thanh khoản kỷ lục
Thị trường chứng khoán chào đón năm Quý Mão 2023 với nhiều bất ổn sớm xuất hiện. Ngay từ phiên đầu tiên của năm mới, VN-Index đã không dành cho người yếu tim khi giảm mạnh đầu phiên, rồi bất ngờ tăng hơn 8 điểm ở cuối phiên.
Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán 31/1 không làm an lòng nhà đầu tư vì thanh khoản tăng vọt, vượt mốc 13.500 tỷ đồng báo hiệu cho đợt xả hàng trên diện rộng sắp diễn ra. Và xả hàng thì thường đi kèm với giảm giá sâu.
Thị trường chứng khoán ngày 1/2 phần nào giúp nhà đầu tư chứng khoán bớt lo lắng khi suốt phiên sáng, dù đi lùi nhưng đà giảm của VN-Index khá khiêm tốn, không đáng lo ngại.
Thế nhưng, điều tồi tệ xuất hiện vào giữa đợt giao dịch chiều khi hoạt động xả hàng được đưa lên tầm cao mới, thành hoạt động bán tháo. Hoạt động bán tháo bắt nguồn từ cổ phiếu vốn hóa lớn, sau đó lan sang toàn thị trường.
Đóng cửa phiên chứng khoán ngày 1/2, VN-Index “rơi tự do”, giảm 35,21 điểm, tương đương 3,17% xuống 1.075,97 điểm. VN30-Index giảm 36,98 điểm, tương đương 3,29% xuống 1.088,09 điểm.
Gây sốc cùng đà lao dốc của VN-Index là thanh khoản. Chứng khoán ngày 1/2 ghi nhận mức cao kỷ lục trong nhiều tháng trở lại đây. Lâu lắm rồi thị trường mới có một phiên mà khối lượng giao dịch vượt mốc tỷ đơn vị.
Cụ thể, có tới hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 17.623 tỷ đồng được giao dịch thành công. Riêng nhóm VN30-Index, giá trị giao dịch đã lên tới 7.185 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, đà “lao dốc” thậm chí còn mạnh hơn và tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. HNX-Index đóng cửa ở mức 216,01 điểm, giảm 6,42 điểm, tương đương 2,89%; HNX30-Index giảm 19,74 điểm, tương đương 5,09% xuống 367,83 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Hà Nội có tới 4 mã giảm sàn. Đó là CEO, NBC, PVC và TAR.
Cổ phiếu ngân hàng “dìm” chứng khoán ngày 1/2
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán ngày 1/2. Rất nhiều mã lớn chốt phiên ở mức thấp. VPB giảm 1.150 đồng/CP, tương ứng 5,9% xuống 18.300 đồng/CP. Trước đó, có thời điểm VPB giao dịch ở mức giá sàn 18.100 đồng/CP.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm rất sâu. TPB giảm 1.300 đồng/CP, tương đương 5,2% xuống 23.700 đồng/CP. BID giảm 2.300 đồng/CP, tương đương 5,1% xuống 42.800 đồng/CP. CTG giảm 1.500 đồng/CP, tương đương 4,9% xuống 29.000 đồng/CP,…
Trong nhóm blue-chips, cổ phiếu duy nhất giảm sàn là GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. GVR đóng cửa ở mức 15.550 đồng/CP sau khi giảm 1.150 đồng/CP. Đầu phiên, GVR thậm chí còn tăng nhẹ lên 16.900 đồng/CP.
Cổ phiếu SSI của Công ty chứng khoán SSI cũng gây sốc. Đầu phiên, SSI tăng lên 21.850 đồng/CP nhưng sau đó, SSI giảm sàn xuống 20.100 đồng/CP. Chốt phiên chứng khoán ngày 1/2, SSI dừng ở mức chỉ trên giá sàn một chút, 20.150 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, vẫn có 7 blue-chips đóng cửa trong sắc xanh. Đó là GAS, HDB, MWG, NVL, PDR, VIB và VNM. Đáng chú ý, đầu phiên, NVL và PDR thậm chí còn tăng trần.
Cổ phiếu châu Á lạc quan
Trong khi VN-Index “rơi tự do” trong phiên chứng khoán 1/2, phần còn lại của châu Á đang lạc quan.
Cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương giao dịch cao hơn khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào thứ Tư, cũng như một số dữ liệu kinh tế trong khu vực.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 0,71%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,8% và Topix tăng 0,7% ngay cả khi hoạt động của nhà máy Nhật Bản ghi nhận tháng thứ ba liên tiếp giảm vào tháng Giêng.
Kospi của Hàn Quốc tăng 0,74% và Kosdaq tăng 0,78%, do số lượng xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 1 giảm 16,6% trên cơ sở hàng năm.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,47% trong đầu phiên giao dịch. Shanghai Composite của Trung Quốc đại lục tăng 0,34% và Shenzhen Component tăng 0,73%. Hồng Kông chuẩn bị công bố dữ liệu GDP quý IV vào cuối ngày.
Đêm qua ở Phố Wall, các chỉ số chính tăng nhờ thu nhập cao và dữ liệu lạm phát đáng khích lệ.
Vào thứ Tư, FED sẽ công bố mức tăng lãi suất để giải quyết lạm phát cao và thị trường đang mong đợi mức tăng 25 điểm cơ bản, tương đương 0,25 điểm phần trăm, từ ngân hàng trung ương.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm