Thị trường hàng hóa
Đầu tuần này, chỉ số Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, đã bật tăng trở lại trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sắp đưa ra quyết định chính sách.
Trong đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ trong tháng 5/2024 bất ngờ đạt 272.000 việc làm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 180.000 việc làm được thị trường đưa ra, và so với mức 165.000 việc làm ghi nhận trong tháng 4/2024. Giới phân tích lo ngại, thị trường lao động tiếp tục ở mức tốt sẽ tạo dư địa cho Fed neo giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục hiện nay trong khoảng thời gian dài hơn.
Theo chia sẻ từ hãng chứng khoán Maybank Investment Bank, việc chỉ số Dollar Index tăng trở lại là điều có thể thấy trước khi chỉ số này đã giảm “quá mức” trong những tuần trước và với các dữ liệu quan trọng về thị trường lao động, lạm phát… tại Mỹ hoặc chỉ cần Fed phát tín hiệu “diều hâu” có thể đẩy chỉ số tăng trở lại.
Maybank Investment Bank cho biết: “Chỉ số Dollar Index có thể vượt cao hơn so với mức 104 - 105 điểm vì đà tăng hiện nay đang ở mức tích cực. Các sự kiện rủi ro hoặc dữ liệu được công bố trong tuần này có thể hỗ trợ đà tăng của đồng USD gồm có chỉ số Giá sản xuất (PPI) và chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ, cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) thuộc Fed, quyết định chính sách của BOJ, và diễn biến chính trị tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”.
Trong đó, sau đợt tăng nhẹ vào đầu tuần trước, đồng EUR đã giảm mạnh sau khi kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy phe cực hữu đã giành được khá nhiều ưu thế. Đáng lo ngại hơn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và kêy gọi tổ chức bầu cử sớm, dự kiến Vòng 1 sẽ diễn ra trong ngày 30/6 và Vòng 2 sẽ diễn ra trong ngày 7/7 tới đây.
Những diễn biến này khiến giới đầu tư lo ngại phe cực hữu có thể giành thêm lợi thế trong cuộc bầu cử tại Pháp, từ đó tạo ra thêm nhiều thách thức cho châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề chính hiện nay, gồm xung đột địa chính trị Ukraine - Nga và cạnh tranh kinh tế từ Mỹ lẫn Trung Quốc.
Theo Maybank Investment Bank, kỳ vọng các lo ngại về cuộc bầu cử tại Pháp có thể giảm dần và tỷ giá EUR/USD sẽ ổn định quanh mức 1,07 - 1,09 EUR/USD.
Xem thêm: "Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn về việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hiện giới đầu tư toàn cầu đang tập trung theo dõi các động thái liên quan đến cuộc họp của FOMC diễn ra vào ngày 11 - 12/6 (theo giờ địa phương). Sáng ngày 12/6, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu CPI tháng 5/2024. Buổi chiều cùng ngày, Fed sẽ công bố quyết định lãi suất trong 2 ngày họp và Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một buổi họp báo.
Thị trường sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho dự báo kinh tế cập nhật của Fed, bao gồm dự báo lãi suất “dotplot”, để tìm ra manh mối về việc liệu Fed có thể sớm bắt đầu giảm lãi suất hay không.
Về CPI, thị trường đang dự báo mức tăng của chỉ số toàn phần trong tháng 5 so với tháng 4 là 0,1%, nhưng điều đó đồng nghĩa với mức tăng cả năm là 3,4%. CPI lõi - thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - được dự báo tăng 0,3% trong tháng và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các số liệu dự báo này đều không có khác biệt lớn so với số liệu của tháng 4 và vẫn cho thấy lạm phát còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed.
Về lãi suất, Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25 - 5,5% trong lần họp này.
Thị trường tin rằng Fed sẽ có ít hơn 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, thậm chí một số nhà kinh tế học cho rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất. Điều này có thể sẽ thúc đẩy chỉ số Dollar Index tăng lên.
Hiện chỉ số Dollar Index đang dao động quanh mức 105 điểm và đây cũng là mức trung bình 50 ngày của chỉ số này. Xét về mặt kỹ thuật, mức kháng cự tiếp theo của chỉ số Dollar Index là 105,8 điểm và mức hỗ trợ lần lượt là 104,5 điểm và 104 điểm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm