Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa thông báo chốt quyền nhận tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt vào ngày 20/12 sắp tới. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là ngày 10/01/2025.
Với 118,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cao su Đà Nẵng cần chi khoảng 59,4 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức sắp tới.
Về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 3.555 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 172 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,6% và 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 228 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện trong năm 2023. Như vậy, sau 3 quý đầu năm, Cao su Đà Nẵng đã hoàn thành gần 76% mục tiêu lãi cả năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng tính đến ngày 30/9/2024 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là hàng tồn kho, chiếm tới 32% tổng tài sản, đạt 1.291 tỷ đồng.
Xem thêm: "Mỹ áp thuế cao đối với lốp xe Thái Lan, kỳ vọng Cao su Đà Nẵng (DRC) hưởng lợi lớn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh của Cao su Đà Nẵng, nhiều hãng chứng khoán kỳ vọng kết quả kinh doanh của công ty này sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới trong bối cảnh Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 48,39%.
Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm.
Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực. Thị trường Mỹ hiện đang chiếm 14% tổng doanh thu của Cao su Đà Nẵng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Brazil.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm