Thị trường hàng hóa
Mục tiêu của mọi quốc gia đều nhằm đến 4 mục tiêu tổng quát (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít). Các chuyên gia gọi đây là “tứ giác mục tiêu”. Tất nhiên, đó là mục tiêu lý tưởng, không thể cùng một lúc lại được coi là như nhau, thứ tự ưu tiên còn tùy thuộc vào thực tế và mục tiêu trong từng thời kỳ, của từng quốc gia. Hơn nữa các mục tiêu này có quan hệ nhân quả, chặt chẽ với nhau. Một vài điểm dễ thấy là tăng trưởng nhanh sẽ làm cho cung tăng; khi cung cao hơn cầu thì lạm phát sẽ thấp. Tuy nhiên, để tăng trưởng nhanh phải tăng đầu tư, nới lỏng tài khóa, tiền tệ, nên sẽ dẫn đến lạm phát tăng. Tăng trưởng nhanh sẽ tăng sản phẩm, chẳng những cải thiện tiêu dùng ở trong nước, mà còn tăng xuất khẩu, tạo thặng dư thương mại, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cán cân tổng hợp. Cán cân thương mại, cán cân thanh toán có số dư sẽ góp phần trở lại cho tăng trưởng. Tăng trưởng nhanh, thì tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, sẽ góp phần giảm thất nghiệp, thiếu việc làm; khi thu nhập tăng, thất nghiệp, thiếu việc làm giảm sẽ góp phần cho tăng trưởng kinh tế cao lên…
Trong 4 “đỉnh” của tứ giác trên, tăng trưởng nhanh được xếp vị trí thứ nhất không phải là ngẫu nhiên. Đối với Việt Nam, “đỉnh” này lại càng đặc biệt quan trọng, vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, điểm xuất phát thấp. Cách đây 35 năm, vào năm 1988, Việt Nam còn rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội, tiềm ẩn từ cuối những năm 70, bùng phát trong những năm 80, kéo dài đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với GDP bình quân đầu người ở mức 88 USD, nằm trong vài nước có mức thấp nhất thế giới. Mãi đến năm 2009, con số này mới đạt trên 1.000 USD, ra khỏi nhóm nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Đến hết năm 2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam lần đầu tiên đạt 4.110 USD, đang phấn đấu đến năm 2023 đạt 4.400 USD và vẫn còn là mức thấp xa so với mức trung bình gần 11.000 USD của thế giới, thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Áp lực của các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”… tuy giảm dần, nhưng vẫn còn rất lớn. Theo đó, chỉ có tăng trưởng nhanh mới là yếu tố quan trọng đẻ giảm áp lực trên.
Thứ hai là mục tiêu 2023 tăng trưởng phải đạt 6,5%. Tăng trưởng GDP trong quý I/2023 mới đạt 3,32%, vừa thấp hơn cùng kỳ (5,05%), vừa thấp hơn so với quý IV/2022 (5,59%), vừa còn cách khá xa so với mục tiêu cả năm. Để đạt được mục tiêu cả năm, 3 quý còn lại phải tăng bình quân trên 7,3%. Điều này gặp khó khăn xét theo 2 nghĩa. Đầu tiên, để tăng trưởng kinh tế đạt cao gấp hơn 2 lần trong 3 quý còn lại so với tốc độ tăng của quý I/2023 là không dễ, khi quý đầu tiên của năm nay công nghiệp và xuất khẩu giảm sâu… Thứ nữa, gốc so sánh 3 quý cuối năm trước tăng cao, đặc biệt quý II tăng 7,83%, quý III tăng 13,71% (công nghiệp- xây dựng tăng 12,19%, dịch vụ tăng 19,34%). Theo đó, việc thực hiện kế hoạch 2023 GDP tăng 6,5% là không dễ dàng.
Thứ ba, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2021-2025), nên có vai trò quan trọng. Theo tính toán sơ bộ, nếu năm 2023 đạt được mục tiêu tăng 6,5%, thì để đạt được mục tiêu tăng bình quân 5 năm (2021-2025), bình quân 1 năm trong 2 năm còn lại (2024, 2025) phải tăng tới 7,77-9,06%!
Có thể yên tâm hơn với việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bởi nhiều lẽ. Theo thời gian, CPI quý I có xu hướng giảm dần theo tháng, theo sau 1 năm, theo bình quân năm; xu hướng này sẽ tiếp tục, ít nhất là đến hết tháng 6/2023 theo thông lệ nhiều năm và sau tăng lương cơ sở. Theo nhóm hàng, số tăng cao hơn CPI chung ít hơn số tăng thấp hơn (5 so với 9); trong đó, số tăng cao hơn sẽ còn giảm trong thời gian tới, như: thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục…
Theo yếu tố tác động, tiêu thụ trong nước quy mô tăng chậm lại do thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường lần đầu tiên nhiều hơn số gia nhập thị trường, do tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng”, “tự cấp tự túc” còn nặng. Áp lực của “nhập khẩu lạm phát” giảm mạnh (giá nhập khẩu giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,62% so với quý trước).
Về tiền tệ, tăng trưởng tín dụng thấp chỉ bằng một nửa cùng kỳ (2% so với trên 4%). Lãi suất cho vay còn cao nhiều so với tỷ suất lợi nhuận (trên 10% so với dưới 5%). Lãi suất tiết kiệm đầu năm 2022 thấp, nhưng tăng cao từ giữa 2022, nay giảm nhưng ít, vẫn đạt thực dương (cao gấp đôi CPI). Tốc độ tăng giá vàng, giá USD thấp hơn CPI (1,45% và 3,45% so với 4,18%). Tỷ giá thương mại mang dấu dương (tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,33% so với quý trước). Một lượng tiền không nhỏ còn bị “chôn” vào tiền ảo, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; vòng quay tiền tệ thấp từ mấy năm nay khi GDP giá thực tế nhỏ hơn dư nợ tổng phương tiện thanh toán…
Tài khóa tiếp tục được thắt chặt, khi tỷ lệ so với dự toán năm của thu ngân sách cao hơn của chi ngân sách (30,3% so với 17,5%), thặng dư ngân sách khá (khoảng 128 nghìn tỷ đồng).
Cán cân thương mại quý I thặng dư (xuất siêu) cao hơn cùng kỳ cả về mức tuyệt đối (4.813 triệu USD so với 1.874 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (6,1% so với 2,1%). Cán cân dịch vụ cũng có sự cải thiện khi nhập siêu giảm so với cùng kỳ năm trước cả về mức tuyệt đối (-216 triệu USD so với -4.304 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (4% so với 267,5%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm xuất siêu, góp phần cải thiện dự trữ ngoại hối, tiếp tục bảo đảm an toàn tài chính (so với nhập khẩu và nợ nước ngoài).
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức 2,66%, thấp hơn mục tiêu cả năm (dưới 4%).
Theo đó “đỉnh” tăng trưởng đang ở mức thấp nhất so với 3 “đỉnh” còn lại của “tứ giác mục tiêu”.
Cần ưu tiên hơn cho “đỉnh” tăng trưởng, nhưng vấn đề là ưu tiên bằng cách nào?
Ở đầu vào, vấn đề quan trọng là vốn đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất, trực tiếp nhất của tăng trưởng. Việc ưu tiên này phải trên cả 2 mặt. Một mặt là tăng lượng vốn đầu tư, do tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP quý I năm nay đạt 25,3%, thấp hơn của cùng kỳ (26,4%), thấp hơn của quý IV và cả năm 2022 (33,8%). Do đó, cần quyết liệt đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách; thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất và vốn đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội dành cho 2 năm, gỡ vướng cho sự “chậm, ế” như vừa qua. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả đầu tư khi suất đầu tư tăng trưởng tăng từ 5,25 lần lên 7,63 lần.
Tăng nhanh hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về số vốn, giảm 12,8% về số lao động; giúp số doanh nghiệp quay lại thị trường (hiện giảm 10%); hỗ trợ để giảm số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường (quý I nhiều hơn số vào thị trường).
Tăng trưởng tín dụng cao hơn, giảm lãi suất cho vay. Giảm một số khoản về ngân sách như thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% (ước khoảng 41.368 tỷ đồng), giảm 50% phí trước bạ ô tô (khoảng 6.555 tỷ đồng), giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (ước 2.076 tỷ đồng), giảm thuế suất xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng (ước 1.724 tỷ đồng)…
Ngoài ra, ở đầu vào còn có yếu tố nhập khẩu. Nhập khẩu giảm sâu là một tin vui đối với thặng dư thương mại, nhưng lại đáng quan ngại đối với một số mặt hàng liên quan đến sản xuất trong nước, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng như: xăng dầu, quặng và khoáng sản khác, tân dược, dây điện và cáp điện…
Ở đầu ra bao gồm tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, giá cả… Tiêu thụ trong nước gặp khó khăn về 4 mặt: (1) Công ăn việc làm và thu nhập thấp; (2) Tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt lưng buộc bụng” mạnh lên từ đại dịch nay vẫn còn mạnh; (3) Tỷ trọng tiêu dùng sản phẩm tự cung tự cấp cao lên trong dịch còn kéo dài, tỷ trọng tiêu dùng sản phẩm thông qua mua bán trên thị trường (TMBL) tuy tăng trở lại, nhưng vẫn còn thấp hơn trước dịch; (4) Giá một số dịch vụ trước áp lực tăng (như điện, nước, giáo dục, y tế…). Do vậy, cần có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này, nhất là liều lượng, thời gian tăng giá dịch vụ.
Xuất khẩu hiện giảm khá sâu ở cả 2 khu vực, với nhiều mặt hàng giảm cả về lượng, giá, kim ngạch, với nhiều tỉnh/thành phố, với nhiều thị trường… Do đó, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, quan tâm hơn đến khu vực trong nước, đến các mặt hàng có nhiều lợi thế (sử dụng nhiều lao động, có nhiều thị trường…), đến các thị trường. Trong các thị trường, cần quan tâm đến các thị trường lớn, như: Mỹ, Trung Quốc và các thị trường nằm trong các FTA mà Việt Nam đã ký trong thời gian qua.../.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm