Thị trường hàng hóa
Ngày 11/7, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền 1.340 tỷ baht (khoảng 36 tỷ USD) tại một trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Bangkok.
Thành phố thông minh mới sẽ có diện tích khoảng 2.340ha, bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh và tiền đầu tư sẽ được giải ngân trong vòng 10 năm tới. Thành phố được xây dựng tại huyện Huai Yai thuộc tỉnh Chon Buri, cách Bangkok khoảng 160km về phía Đông Nam.
Theo các quan chức Thái Lan, số tiền này đã được một hội đồng do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì chấp thuận và sẽ được giải ngân trong vòng 10 năm tới.
Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết các trung tâm này dự kiến sẽ được phân chia là nơi đặt văn phòng của các công ty, trung tâm tài chính, y tế, nghiên cứu và phát triển quốc tế cũng như các ngành công nghiệp tương lai như năng lượng sạch và công nghệ 5G.
Ngoài ra, các khu dân cư của thành phố sẽ được thiết kế để chứa 350.000 người vào năm 2032 và tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp. Cư dân chủ yếu sẽ là những người làm việc trong khu vực công nghiệp, nơi dự kiến sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá khoảng 2.200 tỷ baht (hơn 60 tỷ USD) đến từ các công ty ô tô, robot, chăm sóc sức khỏe và hậu cần toàn cầu trong 5 năm tới.
Ông Kanit nhấn mạnh: “Thành phố mới sẽ là nơi đáng sống cho thế hệ mới, đồng thời là trung tâm kinh doanh… Chúng tôi tạo ra dự án mới này để bù đắp thu nhập mà Thái Lan bị mất trong trận đại dịch”.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Thái Lan đánh giá thành phố mới với các trung tâm kinh doanh có thể đóng góp thêm khoảng 2.000 tỷ baht vào tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 10 năm và giá trị tài sản sau thời gian nhượng quyền 50 năm sẽ tăng gấp 5 lần.
Chính phủ của Thủ tướng Prayut đã nhiều lần quảng bá về Hành lang Kinh tế phía Đông, một dự án bao gồm đô thị hóa, thúc đẩy các ngành công nghiệp tiên tiến và phát triển cơ sở hạ tầng, để tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan.
Hành lang Kinh tế phía Đông bao gồm ba tỉnh Rayong, Chon Buri và Chachoengsao, hiện là trung tâm sản xuất và đóng góp tới 1/5 GPD của Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này là từ 6 - 7% mỗi năm, nhanh hơn so với phần còn lại của quốc gia Đông Nam Á này.
Indonesia sẽ thiết kế và quy hoạch thành phố, thủ đô mới ở Đông Kalimantan thành một thành phố và khu vực thực sự thông minh trong thiết kế, trở thành một thành phố tiên phong để các thành phố trên thế giới tham khảo.
Theo Tổng thống Joko Widodo, khái niệm thành phố thông minh đang bị hiểu sai vì nó chỉ ưu tiên công nghệ và chỉ có nghĩa là một thành phố được kết nối kỹ thuật số và thực hiện nhiều tự động hóa bằng cách sử dụng internet vạn vật và các thiết bị kỹ thuật số khác.
Thực tế, thành phố thông minh không chỉ là một thành phố tích hợp kỹ thuật số mà quy hoạch phát triển đô thị thành phố thông minh ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ hạnh phúc và khả năng sáng tạo của người dân nên phải xem xét những điều cơ bản như văn hóa, cấu trúc xã hội, lịch sử và nền kinh tế của cộng đồng địa phương.
Ông Jokowi cũng nhấn mạnh đừng để quy hoạch thành phố thông minh khiến người dân cảm thấy bị cô lập trong chính ngôi nhà của họ, gây ra tắc nghẽn và làm cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn. Quy hoạch không nên bị "lóa mắt" bởi những phát triển công nghệ không phù hợp với nhu cầu của cộng đồng.
Tổng thống đã yêu cầu các nhà quy hoạch Indonesia phải có khả năng xây dựng các thành phố và khu vực "hòa nhập", "mở cửa" cho mọi công dân.
Dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia sẽ được triển khai trong năm nay với mục tiêu hoàn thành vào năm 2024. Ước tính ngân sách ban đầu cho việc xây dựng thành phố thủ đô mới lên tới hơn 32 tỷ USD. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2021 với việc xây dựng các tòa nhà của chính phủ, nâng cấp sân bay, cảng biển, giao thông tại khu vực rừng được sử dụng để chuyển đổi thành một thành phố thông minh mới. Đến năm 2024, các công chức sẽ bắt đầu chuyển đến làm việc tại thủ đô mới
Theo bảng xếp hạng Chỉ số thành phố thông minh của 118 thành phố trên thế giới do trường Kinh doanh Viện Quản lý phát triển (IMD) Thụy Sĩ và Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Singapore đứng đầu danh sách thành phố thông minh nhất thế giới năm thứ ba liên tiếp, vượt qua rất nhiều thành phố của Châu Âu như Zurich, Geneva và Lausanne (Thụy Sĩ), Oslo (Na Uy), Helsinki (Phần Lan), Copenhagen (Đan Mạch) hay Bilbao (Tây Ban Nha).
Để trở thành “quốc gia thông minh”, Singapore tập trung vào xây dựng 3 trụ cột chính gồm: Kinh tế kỹ thuật số (Ditital Economy), Chính phủ kỹ thuật số (Digital Government) và Xã hội kỹ thuật số (Digital Society). Sáng kiến Quốc gia thông minh của Singapore tập trung chuyển đổi 5 lĩnh vực chủ chốt gồm: Y tế, giao thông, giải pháp đô thị, tài chính và giáo dục.
Trong lĩnh vực y tế, Singapore tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Đơn cử như TeleHealth giúp các bác sỹ tiếp cận được nhiều bệnh nhân hơn, qua đó giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.
Về giao thông, hai sáng kiến nổi bật là thanh toán không chạm và các xe tự hành. Trước đó, Singapore đã sử dụng thẻ EZ-Link để thanh toán vé phương tiện công cộng. Năm 2019, Singapore triển khai hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng và bằng điện thoại thông minh cho nhiều dịch vụ công cộng. Trong lĩnh vực xe tự lái, quốc đảo này đã thành công trong việc phát triển công nghệ tự lái với hệ thống Auto Rider đang được triển khai tại một số điểm du lịch.
Về giáo dục, Singapore tăng cường áp dụng công nghệ vào giáo dục để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tăng cường kết nối giữa học sinh, phụ huynh với giáo viên.
Liên quan tới các giải pháp đô thị, do hạn chế về diện tích nên Singapore tập trung tìm kiếm giải pháp để cải thiện môi trường đô thị, bất động sản tốt hơn, hiệu quả hơn. Singapore xây dựng Khuôn khổ Thị trấn HDB thông minh do Cơ quan Phát triển và nhà đất thực hiện, tập trung vào 5 mũi nhọn gồm hoạch định thông minh, môi trường thông minh, bất động sản thông minh, cuộc sống thông minh và cộng đồng thông minh.
Trong lĩnh vực tài chính, Singapore tập trung phát triển môi trường FinTech để hỗ trợ sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và có thể áp dụng các công nghệ mới. Cơ quan Tiền tệ Singapore có kế hoạch tạo ra Trung tâm Tài chính thông minh, nơi công nghệ sẽ được sử dụng trong ngành công nghiệp tài chính để tăng sự hiệu quả, tạo ra các cơ hội kinh tế mới và kiểm soát rủi ro tốt hơn. MAS cũng đã mở Phòng thí nghiệm sáng tạo FinTech, nơi cộng đồng có thể kết nối, hợp tác với nhau.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm