Thị trường hàng hóa
Việt Nam đã và đang trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của các doanh nghiệp ô tô “ngoại”. Bởi lẽ, số lượng người dân mua ô tô tại Việt Nam ngày càng tăng dần trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo của Ken Research, trong giai đoạn từ 2015 - 2020, số lượng người dân mua ô tô ở Việt Nam tăng xấp xỉ 25,7%. Tăng trưởng sở hữu ô tô tại Việt Nam đạt gần 10,5% trong năm tài chính 2020, cao hơn tương đối so với các nước Đông Nam Á.
Ken Research nhận định: Việc tăng tỷ lệ sở hữu ô tô đóng vai trò là chất xúc tác cho ngành dịch vụ hậu mãi được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong những năm tới.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, kể từ năm 2018, doanh số của các hãng xe thành viên đã tăng rất mạnh.
Cụ thể, trong năm 2018, doanh số bán xe toàn thị trường tăng 5,8% so với năm 2017. Sang tới năm 2019, doanh số tiếp tục tăng 12%.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên doanh số ô tô toàn thị trường đã giảm 8%. Thế nhưng, sang năm 2021, doanh số đã quay đầu và tăng trở lại, với mức tăng là 3%.
Từ các số liệu nêu trên, có thể thấy, thị trường ô tô Việt Nam đang có rất nhiều dư địa tăng trưởng. Để tạo ra lợi thế và cạnh tranh thị phần, hầu hết các hãng ô tô “ngoại” đều đã có nhà máy lắp ráp riêng tại Việt Nam, giá trị lên tới hàng trăm triệu và có thể lên tới hàng tỷ USD.
Đơn cử, tại Vĩnh Phúc có 2 nhà máy ô tô lớn là Honda và Toyota. Tại Đồng Nai có nhà máy ô tô Suzuki. Nhà máy ô tô Mitsubishi hiện nằm tại Bình Dương, thậm chí hãng xe Nhật này vào năm 2020, tiết lộ có dự định xây dựng nhà máy thứ 2 tại Việt Nam, dự kiến nằm ở Bình Định.
Mặc dù các hãng xe “ngoại” đều đã xây dựng nhà máy tại Việt Nam, mục tiêu là sản xuất các mẫu xe ăn khách nhằm phân phối trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Thế nhưng, thị trường lại đang có sự nghịch lý, thay vì sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, một số hãng xe lại lựa chọn nhập khẩu ô tô về phân phối.
Ví dụ, dù có ý định mở nhà máy thứ 2 tại Việt Nam, song trong năm 2019, Mitsubishi Việt Nam đã nhập khẩu 26.807 xe, chiếm tỷ trọng tới 87% tổng các loại xe mà doanh nghiệp này bán ra.
Tỷ trọng nhập khẩu xe nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) của Mitsubishi Việt Nam cũng không có sự biến động nhiều kể từ năm 2019 tới hết 8 tháng đầu năm 2022 khi duy trì ở mức 84% vào năm 2020; 85% vào năm 2021 và 86% trong 8 tháng năm 2022.
Tương tự, một nhà sản xuất ô tô khác cũng có nhà máy tại Việt Nam là Suzuki cũng có lượng xe CBU nhập khẩu duy trì ở mức trên 70% trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2019, Suzuki Việt Nam nhập khẩu 8.667 xe CBU, chiếm 75% doanh số bán hàng. Năm 2020, tỷ trọng xe CBU trong doanh số bán hàng của Suzuki Việt Nam là 77%, năm 2021 là 75% và 8 tháng năm 2022 là 73%.
Theo nhận định của giới chuyên gia, kể từ năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN bắt đầu về 0%. Như vậy, các mẫu ô tô khi đưa về Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu.
Theo báo cáo của VAMA, các hãng xe đa phần nhập khẩu ô tô từ Thái Lan và Indonesia về phân phối tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2021, xe nhập từ Thái Lan chiếm 80.903 xe, với giá trị tương đương 1,5 tỷ USD. Xe nhập khẩu từ Indonesia đạt mức 44.250 xe, trị giá 559,5 triệu USD.
Tổng lượng xe nhập khẩu trong năm 2021 vào Việt Nam được cho là tăng kỷ lục với hơn 160.035 xe các loại với tổng trị giá nhập khẩu đạt 3,66 tỷ USD. Trong số này, các thành viên VAMA nhập khẩu 109.297 CBU.
Trái ngược với đà thăng hoa của ô tô nhập khẩu, ô tô được lắp ráp trong nước lại đang chịu sự lép vế và đang đi lùi.
Theo báo cáo của VAMA, cộng dồn năm 2021, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 24% so với năm 2020. Cũng so với năm 2020, lượng ô tô CBU nhập khẩu của cả nước năm 2021 tăng 52,1% và kim ngạch nhập khẩu tăng 55,7%.
Điều đáng nói, vài năm gần đây, Chính phủ đã tạo rất nhiều điều kiện và các chính sách hấp dẫn, để các hãng xe tích cực đưa sản phẩm về sản xuất và lắp ráp trong nước.
Cụ thể, Chính phủ đã thông qua 2 chiến lược phát triển ngành ô tô, đó là “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” và “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Riêng trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ chủ trương đề ra nhiều giải pháp quan trọng, như áp dụng thuế suất nhập khẩu ở mức trần đối với các loại phụ tùng, linh kiện khuyến khích đầu tư sản xuất.
Trong khi đó, trong Quyết định số 229, Chính phủ đã cho phép, doanh nghiệp đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Quyết định cũng chấp nhận giảm một số loại thuế đối với xe ưu tiên được lắp ráp trong nước.
Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Chính phủ đã đồng ý giảm lệ phí trước bạ, vừa để kích cầu thị trường, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực sản xuất ô tô trong nước.
Đây chỉ là một trong số rất ít các chính sách, cơ chế hấp dẫn để tăng thị phần ô tô lắp ráp trong nước. Điều này thể hiện sự thiện chí của Việt Nam trong việc thu hút các hãng xe tích cực hơn trong việc đưa các mẫu xe về nước lắp ráp và sản xuất. Dù vậy, không phải hãng xe nào cũng hưởng ứng các chính sách này của Việt Nam.
Chỉ có một số ít các doanh nghiệp nội địa như THACO Auto và Thành Công Motor dường như nhất quán và kiên định với chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp trong nước, đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô, gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng: Việt Nam nhập khẩu ô tô chủ yếu từ Thái Lan, điều này vô tình giúp cho công nghiệp ô tô Thái Lan phát triển, trong khi Việt Nam lại đang dậm chân tại chỗ.
Vị này nhấn mạnh: So với Thái Lan đã bão hòa, thì thị trường ô tô Việt Nam đang có nhiều tiềm năng hơn. Thứ nhất, là dân số của Việt Nam đông hơn, gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số cũng trẻ hơn. Thứ hai, thu nhập của người Việt Nam ngày càng tăng. Cuối cùng, quan trọng nhất, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam thấp hơn, cho thấy ngày càng có nhiều người muốn mua ô tô.
“Trong khi doanh số xe tại Thái Lan ngày càng giảm, thì tại Việt Nam đang tăng. Rõ ràng, chúng ta có triển vọng tăng trưởng hơn, nhưng các hãng xe vẫn lựa chọn nhập khẩu, thay vì lắp ráp trong nước. Đây là một điều rất bất cập”, vị này nói.
Theo Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, doanh số bán ô tô mới trong năm 2021 giảm 4,2% so với năm 2020. Nhưng xuất khẩu ô tô đã tăng khoảng 48% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ, và đạt tăng trưởng 30,4% so với năm 2020.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm