Thị trường hàng hóa
Sau Nghị định số 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ, xác định kinh doanh sân golf là ngành kinh doanh có điều kiện, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã và đang có động thái mới trong việc quy hoạch phát triển sân golf.
Theo đó, các tỉnh sẽ được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, thay vì đi theo định hướng quy hoạch quốc gia như trước đây. Chính vì vậy, nhiều tỉnh đang tận dụng cơ hội từ chính sách để liên tục mở đường cho sự phát triển của các sân golf cùng các tiện ích, dịch vụ đi kèm.
Hiện tại, cả nước đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên thành 200 sân.
Mới đây, theo phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai đã đề xuất hơn 880 ha đất làm 6 dự án sân golf.
Tỉnh Hòa Bình còn đặt mục tiêu phát triển gần 40 sân golf từ nay đến năm 2050. Cùng với mốc thời gian trên, Vĩnh Phúc cũng dự kiến làm 40 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên quy hoạch cho 22 sân golf. Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu thực hiện 13 sân.
Bắc Giang cũng không nằm cuộc đua, đến 2050, tỉnh sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, với tổng cộng 13 sân golf.
Tại miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000, đối với khu du lịch sân golf 90 ha tại xã Hương Thọ và xã Bình Thành.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, sự bùng nổ của phong trào chơi golf đang đem lại nguồn thu cao cho doanh nghiệp và địa phương. Do đó, việc quy hoạch sân golf là điều cần thiết để đưa hoạt động này trở thành một phần của tổ hợp vui chơi, giải trí địa phương.
Sự phát triển của golf không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp về lợi nhuận, mà còn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm