Thị trường hàng hóa
Tín hiệu tích cực
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội có những tín hiệu tích cực. Trong đó, lĩnh vực nông ngiệp, tiến độ gieo cấy lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam tăng so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó hoạt động chăn nuôi ổn định, cùng với nuôi trồng thủy sản được đẩy mạnh thu hoạch. Những yếu tố này đã góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với nông nghiệp, hoạt động dịch vụ có mức tăng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân trong dịp Tết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước là mức được kiểm soát phù hợp, khi nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào song giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng góp phần tô sáng “bức tranh” với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đạt 870 nghìn lượt người, tăng 23% so với tháng trước đó và gấp 44 lần cùng kỳ năm trước (nhờ các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát).
Trong đầu tư, tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong tháng 1/2022 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành khai khoáng giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,4%, giảm 0,3 điểm phần trăm.
Tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước đều giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3%, so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%). Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD.
Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022, nên tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả này cũng thể hiện nền kinh tế đang đứng trước những thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hóa giải thách thức, tạo đà tăng trưởng
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...
Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.
Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cùng với đó, tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm