Thị trường hàng hóa
Trong buổi họp báo sáng 30/12, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Hiện tại, Tổ công tác đã làm việc với nhiều địa phương và các doanh nghiệp bất động sản, để nắm bắt các khó khăn còn tồn đọng.
Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được Tổ công tác kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Tổ Công tác đã làm việc với một số địa phương để tìm ra phương án tháo gỡ một số vướng mắc liên quan tới trình tự đầu tư dự án.
Tổ công tác xác định được nhiệm vụ, giải pháp và đang từng bước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này. Bước đầu đã có dấu hiệu tích cực.
"Tôi tin rằng, với sự triển khai đồng bộ của Chính phủ, Bộ, ngành, Tổ công tác, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ ổn định và phát triển tốt hơn", ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản và Bộ Xây dựng trong năm 2023 là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
"Việc thực hiện hiệu quả, chất lượng của đề án sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo, Bộ Xây dựng đã nêu một số kết quả đã thực hiện được trong năm 2022. Đơn cử như tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8-8,5%, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021.
Đồng thời, tỷ lệ lập Quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 02 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%; tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm