Thị trường hàng hóa
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP, được Chính phủ ban hành hồi đầu năm 2023 đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, GDP quý I và quý II phải tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này kém xa so với mục tiêu đã đề ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.
+ Trong quý I/2023, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này kém xa so với mục tiêu trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2023, dựa theo số liệu đã được báo cáo?
- Tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.
Trong những khó khăn đó, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng rất đáng ghi nhận. Đơn cử như CPI, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án, ngân hàng yếu kém, nhà máy nhiệt điện.
Đặc biệt, Chính phủ đã triển khai các giải pháp trung và dài hạn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
+ Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là rất áp lực. Bộ trưởng có dự báo thế nào về nền kinh tế trong 9 tháng còn lại của năm 2023?
- Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, thấp hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Như vậy, tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%.
Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025, đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.
Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP, thì quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%. Mục tiêu này cao hơn lần lượt 1% và 0,8% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp.
+ Với 2 kịch bản trên, Bộ trưởng kiến nghị lựa chọn kịch bản nào?
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
+ Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng có kiến nghị gì để nền kinh tế bứt tốc?
- Những khó khăn, hạn chế có nguyên nhân lớn nhất là do tình hình thế giới ngày càng khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hậu quả của dịch bệnh COVID-19 gây ra còn nặng nề, kinh tế trong nước vẫn đang trong quá trình phục hồi; năng lực nội tại, khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế.
Công tác dự báo, đánh giá tình hình gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn; một số nơi, một số bộ ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, chưa phát hiện, tham mưu chính sách kịp thời, phối hợp chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.
Trước những thách thức đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II của từng bộ, cơ quan. Trong đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh hoàn thuế VAT; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong các thủ tục xuất, nhập khẩu; xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay.
Với Ngân hàng Nhà nước, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm; khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình.
NHNN có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến các ngân hàng của Mỹ, EU, có phản ứng chính sách kịp thời; khẩn trương rà soát, đánh giá an toàn tài chính, cơ cấu huy động - cho vay, hoạt động đầu tư tài chính để có cảnh báo kịp thời cho các ngân hàng.
Các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương và của cả nền kinh tế.
Các Chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công.
Chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Chính sách về thương mại tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng mặt hàng, từng thị trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chính sách về đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, trong đó trọng tâm là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở, trực tiếp đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút FDI. …
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng và chủ động đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời,...
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
+ Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm