Thị trường hàng hóa
Số liệu được Bộ Tài chính nêu trong báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2022, có hơn 1 triệu người nộp thuế đã được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp với tổng số tiền hơn 37.500 tỉ đồng.
Ngành thuế đã khoanh nợ với 705.475 người nộp thuế, tổng số tiền thuế nợ được khoanh 29.897 tỉ đồng. Trong đó, có 259.627 tổ chức, doanh nghiệp được khoanh nợ 27.548 tỉ đồng và 445.848 cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh được khoanh nợ 2.349 tỉ đồng.
Cơ quan quản lý thuế đã xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 317.469 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền 7.631 tỉ đồng.
Tuy nhiên trong khi cơ bản hoàn thành 100% việc xử lý khoanh nợ so với dự kiến xử lý thì việc xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt 61% so với số dự kiến xử lý nợ của các địa phương.
Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngày 1/7/2020.
Sau đó Thông tư 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 94 của Quốc hội về xử lý nợ thuế đã được ban hành với quy trình, thủ tục xử lý nợ rõ ràng, đầy đủ. Thông tư này quy định về việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (được hiểu là không xóa nợ gốc).
Được biết, thời gian tới, cơ quan quản lý thuế các cấp sẽ tiếp tục rà soát, xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định… đảm bảo hoàn thành xử lý nợ trong 3 năm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm