Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, địa ốc chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm.
Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.
Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân khiến kênh đầu tư địa ốc được săn đón xuất phát từ việc các chủ đầu tư liên tục tung ra các mức chiết khấu “khủng”. Điều này đã khiến nhiều dự án tiệm cận với giá trị thực.
Tuy nhiên, chính đơn vị này cũng thừa nhận rằng thị trường đang chững lại do một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, một trở ngại khác đó là việc ba bộ luật quan trọng nhất liên quan đến bất động sản vẫn đang chờ được hoàn thiện.
Dù vậy, theo Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam, thị trường đang đón nhận thêm nhiều thông tin tích cực. Nổi bật nhất là sự “hạ nhiệt” của lãi suất cho vay khi con số hiện chỉ còn dao động trong khoảng 8 - 10%/năm.
Giữa bối cảnh lãi suất giảm dần, đơn vị trên dự báo tâm lý của nhà đầu tư sẽ được cải thiện. Do đó, thị trường có thể sẽ phục hồi từ quý II/2024.
Với các nhà đầu tư có ý định “bắt đáy” bất động sản, đơn vị này cho rằng những người có điều kiện tài chính có thể xem xét sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 60 - 70% (vốn tự có) và 30-35% (vốn vay).
Bên cạnh đó, việc lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của từng nhà đầu tư. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người tham gia cần giữ vững nguyên tắc phân bổ nguồn vốn vào các kênh khác nhau.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm