Thị trường hàng hóa
Đông Nam Á - điểm đến mới của các nhà đầu tư
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vài thập kỷ trở lại đây đã cho thấy sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhân khẩu học thuận lợi, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, sức tiêu dùng cao và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng hậu cần của khu vực cũng được đầu tư với hệ thống cảng biển, sân bay tại các thành phố trọng điểm.
Ghi nhận của Bộ phận Nghiên cứu Savills APAC cho thấy, vốn đầu tư vào phân khúc này đã tăng trưởng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ 2 trong khu vực.
Theo dữ liệu của MSCI, trong 3 quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch logistics đạt 29,5 tỷ USD, so với bán lẻ là 22,3 tỷ USD.
Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của ANREV, bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ hai (sau bất động sản nhà ở), với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023.
Ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ bất động sản công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Savills, đánh giá: “Nhờ sự phát triển ổn định của những yếu tố giúp thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư bất động sản vẫn thể hiện cam kết với lĩnh vực logistics tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương”.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư đang thận trọng hơn. Xu hướng này chủ yếu đến từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và các thị trường nơi tỷ suất vốn hóa suy giảm đáng kể và lãi suất tăng" - ông Jack Harkness cho hay.
Trong năm 2022, thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư mới. Đơn cử, GLP công bố thành lập quỹ đầu tư thu nhập thứ 6 tại Trung Quốc, gây quỹ được 1,05 tỷ USD. Cùng với đó, Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư và logistics ESR đã gây quỹ 373 triệu USD cho một quỹ đầu tư phát triển tại Australia.
Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này cũng diễn ra sôi động ngay từ đầu năm 2023, khi quỹ quản lý đầu tư Anh M&G tuyên bố đã chi 267 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại một trung tâm logistics tại Nhật Bản. Trong khi đó, nhà quản lý đầu tư Hàn Quốc Mirae Asset Global Investment đã mua kho hàng đầu tiên tại Mumbai (Ấn Độ) vào tháng 1 vừa qua.
"Các thị trường chính được những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm là Trung Quốc, Nhật Bản và Úc. Tuy nhiên chúng tôi dự đoán sự quan tâm đến Ấn Độ và Đông Nam Á, những nơi đang hưởng lợi từ sự đa dạng hóa sản xuất và tăng trưởng tiêu dùng, sẽ nổi lên mạnh mẽ trong tương lai", ông Jack Harkness nói.
Trong năm 2022, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) và ESR đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD. Năm nay, ESR tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial - công ty bất động sản công nghiệp và logistics lớn nhất tại Việt Nam.
Đón "sóng" đầu tư
Bình luận về tiềm năng của Việt Nam trong xu hướng này, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills khẳng định, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.
“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile logistics) và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to - suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, vị chuyên gia của Savills Việt Nam nhấn mạnh.
"Nhà đầu tư đang quan tâm đến các phân khúc ngách của logistics như giao hàng chặng cuối và các kho lạnh. Điều này một phần nhằm tăng thêm lợi nhuận kinh doanh, động lực khác là sự phát triển ngày càng tinh vi và đa dạng các phân khúc mới của thị trường logistics", ông Jack Harkness nói thêm.
Trong cuộc đua khốc liệt để hút những dự án tầm cỡ của doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là đón “đại bàng về làm tổ”, theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, nhận định: "Để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế.
Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực logistics - hậu cần ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam.
Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Ngoài ra, sự gia tăng của thương mại điện tử cũng đã đóng góp vào tăng trưởng của thị trường logistics tại Việt Nam”.
Thông tin thêm về cơ hội cho thị trường này, bà Trang Bùi cho hay, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Với tình hình lãi suất và lạm phát tăng đã khiến nhà đầu tư phần nào “chùn chân” và cẩn trọng xem xét lại các danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án mà họ đã cam kết trước đó. Bởi họ tin rằng dòng vốn chảy vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam sẽ dần ổn định lại khi đã thích ứng được với những tác động của yếu tố vĩ mô.
Có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng của bất động sản khu công nghiệp đang rất lớn, nhiều tỉnh thành đang “chạy đua” lập khu công nghiệp để hút tỷ USD vốn ngoại. Song các chuyên gia cho rằng, để kịp thời “dọn ổ đón đại bàng”, hút tỷ USD vốn ngoại, các địa phương, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh, thích ứng kịp thời, nhanh chóng “cởi trói” về thủ tục hành chính, pháp lý.
Bên cạnh đó, theo TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản, các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có trình độ. Bởi, ưu tiên hàng đầu hiện nay tại các khu công nghiệp là các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm lĩnh vực thâm dụng lao động.
Đáng chú ý, xu hướng xanh và bền vững tại các khu công nghiệp là định hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Không chỉ đem lại lợi ích về môi trường, xu hướng này chính là một lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp tại Việt Nam với các “đại bàng” trong khu vực và toàn cầu.
Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, gồm: hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng...
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm