Thị trường hàng hóa
Các chuyên gia tại Wall Street Journal nhận định năm 2022 là năm tồi tệ nhất với chiến lược mua vào cổ phiếu khi thị trường chứng khoán giảm giá mạnh nhất kể từ những năm 1930. Tại Mỹ, mới đây, một đợt sụt giá trên thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư “bắt đáy” (Chiến lược đầu tư vào các loại tài sản vừa kết thúc một giai đoạn suy giảm) loay hoay.
Theo đó, chứng khoán Mỹ ghi nhận một tháng và quý giao dịch tồi tệ, với Dow Jones lao dốc gần 9% trong tháng 9 khi số liệu mới nhất cho thấy lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt. Lần đầu tiên chỉ số này chạm dưới ngưỡng 29.000 điểm kể từ tháng 11/2020.
Tính chung trong tuần qua, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu. Chốt phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số Dow Jones đã giảm 500,10 điểm (tương ứng 1,71%) về còn 28.725,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1,51% và khép phiên ở mức 10.575,62 điểm.
Trong khi đó, S&P 500 hạ 1,51% xuống 3.585,62 điểm và chứng kiến tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Đà lao dốc kéo dài đang gây áp lực cho chiến lược đầu tư phổ biến là “bắt đáy”.
Trước đó, chiến lược này vốn đã đạt được thành công lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính và đặc biệt là ở thời kỳ thị trường hồi phục mạnh mẽ hậu đại dịch. Thông thường, sau cơn bán tháo, các chỉ số lớn thường liên tục lập đỉnh, điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng đợt sụt giảm nào cũng diễn ra trong thời gian ngắn và sau đó là thời điểm hấp dẫn để mua vào.
Theo các nhà phân tích, nhiều các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “bắt đáy” ngay cả khi các nhà đầu tư khác đang tổ chức rút tiền. Tâm lý tích cực này đóng vai trò quan trọng với diễn biến thị trường và nếu nó thay đổi phố Wall có thể biến động nhiều hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, chiến lược đầu tư này đã đi ngược kỳ vọng trong suốt thời gian thị trường đi xuống kéo dài nhiều tháng qua. Đợt bán tháo tăng tốc vào tuần trước khi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất, dẫn đến biến động mạnh trên cả thị trường chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ. Sau các cú rung lắc của thị trường, giá cổ phiếu lao dốc khiến các nhà đầu tư hoảng loạn nhìn tài khoản bốc hơi.
Điều này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cao, xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt. Những biến động liên tiếp đã gây tâm lý lo ngại cho nhiều nhà đầu tư khi họ chứng kiến danh mục sụt giá nhiều tuần liên tiếp.
Theo Santi Tafarella, Giáo sư tại Trường Cao đẳng cộng đồng ở Lancaster (California), ông thực sự đã bị thị trường đánh bại. Thị trường không diễn ra như ông dự báo, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc mạnh.
Còn các nhà đầu tư khác cho biết, họ vẫn đang tiếp tục và chưa rút tiền khỏi chiến lược này, nỗ lực giữ ổn định và chú ý đến lợi nhuận dài hạn. Họ mua cổ phiếu và quỹ ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) vào các phiên S&P 500 giảm điểm nhiều hơn so với những phiên tăng điểm.
Trong khi đó, các hộ gia đình Mỹ cũng đã đầu tư nhiều tiền hơn vào các quỹ tương hỗ định hướng cổ phiếu và ETF so với số tiền họ rút ra trong năm nay. Số liệu từ EPFR Global do Goldman Sachs phân tích cho thấy các quỹ của Mỹ đã đón nhận dòng vốn ròng 89 tỷ USD vào năm 2022. Điều này trái ngược với động thái rút tiền của nhiều nhà đầu tư tổ chức.
Song, phần lớn sự hứng khởi vốn bao trùm thị trường vào năm 2020 đã không còn. Cổ phiếu công nghệ đang rất “nhạy cảm” với lãi suất cao và có xu hướng giảm cực kỳ mạnh. Trong đó, hoạt động giao dịch trong ngày cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Theo Deutsche Bank, hoạt động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với các quyền chọn mua giá tăng đã giảm xuống gần như thấp nhất trong 2 năm qua. Một số loại hình giao dịch theo động lượng (momentum) vốn bùng nổ trong 2 năm qua, nay mang đến những khoản lỗ lớn cho nhà đầu tư.
Một yếu tố đang thay đổi chiến lược của một số nhà đầu tư đó là họ đã tìm thấy sự an toàn trong trái phiếu chính phủ. Lạm phát cao và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đã khiến thị trường trái phiếu bị bán tháo, nhưng lợi suất đã lên mức cao nhất trong thập kỷ qua.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm