Thị trường hàng hóa
Những con số biết nói
“Nhạc đỏ” truyền thống cách mạng và nhạc thị trường là hai dòng nhạc mang về tác quyền cao nhất cho các tác giả. Trong đó, nhạc đỏ với sức sống trường tồn, được sử dụng liên tục trong phát thanh, truyền hình và nhiều chương trình văn hóa, xã hội thu về nhiều tiền tác quyền nhất; nhạc thị trường thường chỉ thu hút trong thời gian ngắn và cuối cùng là nhạc cổ điển - kén người nghe nên ít được khai thác.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được nhắc đến đầu tiên bởi quy mô và hiệu quả hoạt động. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chính là bảo vệ các quyền tác giả đối với tác phẩm được luật pháp công nhận bảo hộ và giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, thực hiện chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan. Năm đầu, Trung tâm chỉ có 274 tác giả thành viên, số tiền tác quyền thu được là 87 triệu đồng; đến năm 2021, con số này đã lên tới 157 tỉ đồng, trong đó phân phối nhuận bút là gần 100 tỉ đồng. VCPMC cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC). Đến nay, Trung tâm đã ký hợp đồng song phương với 87 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, có phạm vi điều chỉnh ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đang bảo vệ lợi ích cho gần 5 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới.
Là một trong những tác giả nhận được nhiều tiền tác quyền nhất từ VCPMC, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung xúc động chia sẻ: “Tính đến nay, tôi đã đi theo con đường sáng tác âm nhạc được 20 năm với hơn 300 bài hát về tình yêu, 300 bài hát thiếu nhi và hơn 50 bài hát ở các thể loại khác. Và tôi có thể mạnh dạn tự tin nói rằng: Tôi là nhạc sĩ sống được bằng nghề, sống được với nghề. Xin đừng vội chê trách nghệ sĩ mà chỉ nghĩ đến tiền, vì ai cũng phải lo cho bản thân, cho gia đình, cho mẹ cha và cần có cảm xúc để sáng tạo, thu nhập của người nhạc sĩ cũng nói lên sự thành công của họ”.
Nguyễn Văn Chung cho biết, năm 2006 anh nhận được 9 triệu đồng/năm cho quyền tác giả và số tiền đó với anh giống như “từ trên trời rơi xuống”. Trước đó, không chỉ anh mà nhiều người trong giới đều nghĩ, nhạc sĩ chỉ kiếm sống bằng cách bán bài hát (lúc ấy giá một bài hát vào khoảng 2-3 triệu đồng). Năm sau số tiền ấy tăng lên 13 triệu, năm sau nữa bỗng nhiên “nhảy vọt” lên 54 triệu và năm 2009 anh nhận được tới 100 triệu đồng. Năm 2021 đi qua với vô vàn khó khăn bởi dịch bệnh, vậy mà số tiền anh nhận được từ VCPMC cho các tác phẩm của mình là… 1,2 tỉ đồng - một con số khiến anh vô cùng ngỡ ngàng hạnh phúc!
Còn nữa, số tiền tác quyền chi trả cho gia đình người thân 50 năm sau khi nhạc sĩ qua đời thực sự là di sản, món quà để lại cho con cháu, như con trai cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ, nhờ có số tiền này mà mẹ ông đã sống thoải mái, vui vẻ, không cần sự hỗ trợ của các con.
Kiên trì bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhạc sĩ
Thời gian gần đây, nhiều nhạc sĩ như Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoàng Sông Hương, Trần Thanh Tùng, Nhóm M6... phản ánh với báo chí cũng như gửi đơn kiến nghị tới VCPMC về việc tác phẩm và ấn phẩm băng đĩa nhạc của họ bị Công ty BH-Media xâm phạm nghiêm trọng. Nhạc sĩ Giáng Son đang được VCPMC hỗ trợ pháp lý trong cuộc chiến bản quyền ca khúc Giấc mơ trưa với đơn vị này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể, nhờ có sự đồng hành của VCPMC mà năm 2008 anh phát hiện thấy có các phiên bản Vầng trăng khóc (Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc thể hiện) nay được hát bằng tiếng Thái, Campuchia, Lào, Trung Quốc. Lúc ấy, nhiều người nghĩ anh “đạo nhạc”, nhưng Nguyễn Văn Chung không có cách nào chứng minh sự trong sạch của mình. Thông qua VCPMC, đơn khiếu kiện đã được gửi đến CISAC, và cuối cùng ca khúc đã được chứng thực thuộc về anh.
“Qua mỗi năm tôi lại thêm bất ngờ và lúc đó tôi mới tìm hiểu kỹ hơn về quyền lợi của tác giả, về tác quyền, về quyền sở hữu thông qua sự tư vấn của Trung tâm. Tôi mừng vô cùng khi biết rằng số tiền tác quyền ứng với lợi nhuận phát sinh của những bài hát các đơn vị hay cá nhân sử dụng sẽ được thu trả cho nhạc sĩ đến tận 50 năm sau khi qua đời, đây là tài sản tôi để lại cho con cháu của mình!”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ cảm xúc.
Là người nhiều năm tham gia xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, trong quá trình khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, ông nhận thấy các trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc của họ rất phát triển và cùng cạnh tranh. Đó là cách để bảo vệ nền âm nhạc, bảo vệ người sáng tạo và đưa công nghiệp âm nhạc phủ sóng khắp thế giới. “Nghệ sĩ phải sống được bằng nghề để tiếp tục tạo ra tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Đó là lý do khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những trung tâm bảo vệ bản quyền trong tất cả các lĩnh vực”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tâm huyết với công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, mặc dù đây là lĩnh vực còn non trẻ ở nước ta, nhưng các quy định pháp luật và các điều ước mà Việt Nam tham gia cơ bản đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Song thực tế, các sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, xuất bản... vẫn bị vi phạm bản quyền. Có những vụ kiện rất gian nan, song tới khi tòa tuyên thắng thì không thể thi hành án bởi công ty đó đã giải thể.
Dù có khó khăn như vậy, nhưng nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định: “Việc đưa các vụ việc ra tòa đã, đang và sẽ được VCPMC kiên trì thực hiện, để không chỉ chứng minh công lý sẽ được thực thi mà còn góp phần nâng cao ý thức trong vấn đề thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với các tác giả âm nhạc. Đồng thời gióng lên hồi chuông báo động với cơ quan chức năng về mức độ vi phạm mà chúng tôi đang phải đối mặt, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện hệ thống pháp luật về bản quyền”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm