Thị trường hàng hóa
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian qua dù tăng nhưng lãi suất tại Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng thấp hơn thế giới. Trong những ngày cuối năm, sau khi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước khi mà các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2023. Điều đó có nghĩa áp lực tăng trở lại của lãi suất tiền đồng vẫn còn.
Vì vậy, câu hỏi cần đặt ra lúc này là bao giờ FED giảm lãi suất.
“Hứa hẹn” tiếp tục tăng lãi suất của FED
FED đã cam kết thực hiện lộ trình thắt chặt lịch sử với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Nhưng khi nền kinh tế chững lại và lạm phát hạ nhiệt, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng FED sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Phản ứng của FED đối với lạm phát, có thời điểm đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm trong năm nay, là tăng mạnh lãi suất, bao gồm bốn lần tăng liên tiếp 75 điểm cơ bản. Nhìn chung, lãi suất đã tăng 425 điểm cơ bản vào năm 2022, tăng lên mức từ 4,25% - 4,5%.
Trong cuộc họp cuối cùng của năm, FED đã chậm lại mức tăng 50 điểm cơ bản nhưng vẫn rất kiên quyết trong cuộc chiến giảm lạm phát, cảnh báo các thị trường rằng lãi suất không ở mức đủ hạn chế và sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
"Chúng tôi đã tăng 425 điểm cơ bản trong năm nay. Bây giờ chúng tôi đi nhanh như thế nào không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng hơn nhiều là nghĩ về mức cuối cùng là gì. Đó sẽ trở thành câu hỏi quan trọng nhất”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói với các phóng viên sau cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tháng 12.
Về khả năng hạ cánh mềm, Powell cũng lưu ý: "Tôi không nghĩ có ai biết liệu chúng ta sẽ có suy thoái hay không. Và nếu có, liệu nó có sâu hay không, điều đó không thể biết được".
Dự báo trung bình mới nhất cho năm tới cho thấy lãi suất có thể lên tới 5,1%, với việc FED cũng mong đợi GDP thực tế sẽ đạt 0,5% vào năm 2023 và lạm phát PCE sẽ giảm xuống 3,1%.
Lãi suất được dự báo giảm từ cuối năm 2023
Trong khi FED chưa đưa ra tín hiệu giảm lãi suất, nhiều chuyên gia đã có dự báo cho mình. Theo đó, các đợt tăng lãi suất khác gần như đã “chốt” trong tháng Hai và tháng Ba. Sau đó, nó được dự báo tạm dừng, rồi lãi suất có thể được cắt giảm vào cuối năm 2023.
"FED có thể sẽ tăng thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong năm tới. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ phải tăng 75 điểm cơ bản. Tác động của các đợt tăng trong năm nay sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 1”, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA nói với Kitco News dựa trên những số liệu vĩ mô.
Moya lưu ý rằng thị trường kỳ vọng FED sẽ giữ nguyên quan điểm diều hâu của mình vào năm tới vì việc lùi bước quá sớm có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát gia tăng.
RBC dự kiến đợt tăng lãi suất cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng Ba. Chiến lược gia hàng hóa Christopher Louney của RBC Capital Markets nói với Kitco News: “Nhóm chiến lược kinh tế/tỷ giá của chúng tôi hiện đang dự đoán đợt tăng lãi suất cuối cùng của FED sẽ được thực hiện vào tháng 3, điều này có thể sẽ mang lại sự khó khăn”.
Theo các nhà kinh tế, chỉ có lạm phát nhẹ hơn trong một thời gian bền vững mới cho phép FED giảm tốc độ thắt chặt vào đầu năm tới và sau đó tạm dừng hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất.
Capital Economics nhận thấy FED sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm tới. "Mặc dù nền kinh tế dường như đã đứng vững trong quý 4 nhưng có thể một cuộc suy thoái đang diễn ra. Kết quả cuối cùng là, mặc dù FED tiếp tục có quan điểm diều hâu, chúng tôi vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức lại giảm vào cuối năm 2023," Ashworth nói thêm.
Giám đốc điều hành của DoubleLine Capital, Jeffrey Gundlach, cho biết ông thấy FED sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 2, với lãi suất có khả năng đạt đỉnh 5% vào năm tới.
Nhưng một khi FED đạt đến mức 5%, cơ quan này sẽ không thể giữ lãi suất ở mức đó trong hơn một cuộc họp, Gundlach cảnh báo, và FED sẽ buộc phải cắt giảm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm