Thị trường hàng hóa
Áp lực từ dư cung công suất vận tải biển
Kết thúc năm 2023, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã cổ phiếu HAH - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần giảm 18,5% so với năm 2022, đạt hơn 2.600 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu mảng khai thác tàu ước đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với năm 2022 do giá cước tự vận hành và cho thuê giảm khi thị trường rơi vào tình trạng dư cung.
Công suất vận tải tàu trên cả nước trong năm 2023 ước tăng 17% so với năm 2023 khi nhiều tàu cho thuê tại các thị trường quốc tế kết thúc hợp đồng, quay trở lại trong nước; trong khi đó, sản lượng hàng container nội địa thông qua các cảng biển chỉ tăng khoảng 3%. Điều này đã khiến giá cước hoạt động tự khai thác của Xếp dỡ Hải An trong năm 2023 giảm gần 31%, chỉ còn trung bình 3,6 triệu đồng/TEU.
Điểm sáng là sản lượng vận chuyển của Xếp dỡ Hải An trong năm 2023 đã tăng 11,7% so với năm 2022, đạt 438.000 TEU. Trong đó, sản lượng vận chuyển hàng hoá nội địa và hàng hoá xuất nhập khẩu lần lượt tăng 8,5% và tăng 23,4%.
Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ một vài hãng tàu khác buộc phải thu hẹp hoạt động khi thị trường kém khả quan, giúp Xếp dỡ Hải An gia tăng thị phần. Đồng thời, Xếp dỡ Hải An cũng mở thêm các tuyến nội địa (Huế và Long An) và nội Á (Malaysia và Ấn Độ).
Đối với hoạt động cho thuê tàu, mặc dù công suất bình quân vẫn tương đương năm 2022 (đạt 7.000 TEU) nhưng doanh thu lại giảm hơn 13% do giá cước thuê tàu định hạn giảm mạnh. Trong đó, giá cước thuê các tàu Haian West và Haian Mind (được tái ký vào tháng 10/2023) đã giảm khoảng 60%, chỉ còn 12.750 USD/ngày.
Về phía mảng khai thác cảng, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm, doanh thu khai thác cảng của Xếp dỡ Hải An chỉ giảm nhẹ 1,4% so với năm 2022, đạt 211 tỷ đồng, nhờ có “lực đỡ” từ nguồn hàng xếp dỡ từ đội tàu của chính doanh nghiệp này.
Kết quả, lãi ròng cả năm 2023 của Xếp dỡ Hải An giảm hơn 64%, chỉ còn 371 tỷ đồng.
Xem thêm: "Xếp dỡ Hải An (HAH): Lợi nhuận năm 2023 “bốc hơi” theo đà giảm của giá cước vận tải biển" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Lãi ròng năm 2024 của Xếp dỡ Hải An có thể tiếp tục “lùi sâu”
Bước sang năm 2024, hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) đánh giá hoạt động kinh doanh của Xếp dỡ Hải An sẽ tiếp tục chịu tác động từ tình trạng dư cung công suất vận tải.
Cụ thể, trong giai đoạn giá cước vận tải biển neo cao, Xếp dỡ Hải An đã thực hiện ký hợp đồng đóng mới 3 tàu container nhằm mở rộng quy mô khai thác. Doanh nghiệp đã nhận tàu Haiam Alfa trọng tải 1.800 TEU vào cuối năm 2023, giúp tổng công suất đội tàu tăng thêm 11%, và hiện có kế hoạch tiếp tục nhận thêm 2 tàu cùng kích cỡ trong năm nay.
Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung hiện nay. Do đó, Xếp dỡ Hải An sẽ vẫn phải ký các hợp đồng cho thuê tàu định hạn với mức giá thấp do dư thừa nguồn cung tàu, theo FPTS. Tình trạng dư cung cũng sẽ khiến giá cước vận tải nội địa trong hoạt động tự vận hành của Xếp dỡ Hải An dự kiến duy trì ở mức thấp.
Bên cạnh đó, do Xếp dỡ Hải An sử dụng nợ vay và phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cho việc đầu tư thêm tàu mới nên tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã đạt 44% vào cuối năm 2023, dự kiến sẽ tăng lên mức 55% trong năm 2024. Trong năm ngoái, chi phí lãi vay của Xếp dỡ Hải An đã tăng 28,4%.
Đối với mảng khai thác cảng, dự kiến sản lượng hàng container thông qua cảng của Xếp dỡ Hải An trong năm nay tiếp tục đi ngang do khả năng khai thác cảng đã đạt mức tối đa. Tuy nhiên, giá cước khai thác ước tăng nhẹ 2% khi doanh nghiệp thực hiện nâng giá các dịch vụ (trừ giá cước xếp dỡ).
Theo đó, FPTS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Xếp dỡ Hải An giảm 35,8% so với năm 2023, còn 297 tỷ đồng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm