Thị trường hàng hóa
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhìn chung giá cả hàng hóa đang ở mức cao, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng. Trong dài hạn, giá cả hàng hóa vẫn neo ở mức cao.
Bên cạnh đó, các vấn đề căng thẳng địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng, các dự báo về nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,5% trong năm nay cũng được coi là tín hiệu không mấy lạc quan. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát đi tín hiệu vẫn đang trong quá trình tăng mạnh lãi suất để ứng phó với lạm phát với kế hoạch thêm một lần tăng lãi suất 50-75 điểm cơ bản trong tháng 9.
Trong khi đó, ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) cũng đã tiến hành lần tăng lãi suất lần thứ 2 vào tháng 8 với mức tăng 75 điểm. VCBS cho rằng ECB sẽ phải tiếp tục có những can thiệp mạnh mẽ với lãi suất và chương trình mua lại tài sản.
Theo đó, các chuyên gia của VCBS dự báo xu hướng hiện tại là khả năng tăng trưởng thấp của nền kinh tế toàn cầu đi kèm lạm phát cao hiện hữu. Giai đoạn này, chính sách tiền tệ thắt chặt trở nên khá rõ nét ở các Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn đặt ra bài toán về lãi suất tăng trong dài hạn trên phạm vi toàn cầu.
Các NHTW còn lại tiếp tục được đặt ra khi đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Giai đoạn này, chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố bất định gia tăng.
Theo báo cáo của VCBS, dù chịu áp lực lớn nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam thời gian tới tiếp tục phục hồi và tăng tốc. Tính chung 8 tháng năm 2022, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 8 đạt 52,7 điểm với hoạt động sản xuất đang có tín hiệu hồi phục tích cực bất chấp một số khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng trong các tháng vừa qua. Dù vậy, VCBS đánh giá, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục nhưng các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi.
Trong giai đoạn này, khi áp lực lạm phát trên thế giới vẫn có xu hướng kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào và nguồn cung thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Về lạm phát, nhóm phân tích nhận định, áp lực lạm phát do hiệu ứng vòng 2 phần nào hạ nhiệt, nhờ giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm giá. Theo đó, dự báo lạm phát tháng 9 có thể tăng 3,64% - 3,69% so với cùng kỳ năm 2021.
Điều này cho thấy những biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ trong nỗ lực bình ổn giá đang bắt đầu cho thấy hiệu quả. Do đó, trong điều thuận lợi, giá cả nguyên-nhiên-vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, lạm phát cả năm 2022 có thể đạt mục tiêu dưới 4% được đề ra của Quốc hội dự báo dao động trong khoảng 3,65%-3,73%.
Trong bối cảnh đó, sự kết hợp các chính sách tài khoá và tiền tệ là yếu tố tiên quyết để tạo môi trường ổn định trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, chính sách tiền tệ cần có sự cân đối hợp lý, hài hoà trong điều kiện không thuận lợi: lạm phát toàn cầu tăng cao đặt ra thử thách lớn đối chính sách điều hành tỷ giá hay lãi suất.
Ngoài ra, các dự án liên quan đến dịch vụ cảng logistic cũng như đầu tư vào ngành công nghệ cao, cơ sở hạ tầng cũng cần phải được chú trọng nhằm đẩy mạnh liên kết vùng. Sự dịch chuyển dòng vốn bắt đầu cho thấy tác động lên các ngành nghề mang tính hỗ trợ cho việc chuyển dịch sản xuất như BĐS khu công nghiệp, năng lượng,...
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm