Thị trường hàng hóa
Trong Hội nghị về tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hồi tháng 2/2023, một trong những đề nghị được các Hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản đề xuất nhiều nhất không phải giảm lãi suất mà là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết nhằm đánh giá lại công tác tín dụng những tháng đầu năm 2023 của toàn ngành, định hướng triển khai thời gian tới và thông tin rộng rãi đến toàn ngành về việc triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Đối tượng "rộng”
Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết theo quy định tại Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.
Theo bà Hà Thu Giang, mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tư sẽ được triển khai từ ngày 24/4/2023 đến cho đến hết ngày 30/6/2024.
Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đánh giá thời gian qua, đặc biệt trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ban hành các chính sách rất trúng và đúng với thị trường kinh doanh Việt Nam.
Do các đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt giảm lãi suất điều hành cơ bản, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống.
Thứ hai là Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng là doanh nghiệp, khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh và 1 bộ phận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống.
“Đây đang là hai đối tượng phủ sóng gần như các mục đích vay của nền kinh tế được hỗ trợ, được hưởng các chính sách của tổ chức tín dụng là như nhau, chứ không phải chỉ tập trung vào khách hàng sản xuất kinh doanh mà quên đi khách hàng vay tiêu dùng. Thông tư 02 áp dụng với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi”, bà Phạm Thị Trung Hà khẳng định.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đánh giá Thông tư 02 ban hành kịp thời, phản ứng rất nhanh, đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển.
Đảm bảo an toàn cho hệ thống
Bà Hà Thu Giang nhấn mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, về giác độ của tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Bà Phạm Thị Trung Hà cũng khẳng định về phía tổ chức tín dụng cũng đã có kinh nghiệm triển khai chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, do vậy, mỗi ngân hàng sẽ căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ của khách hàng để thực hiện chính sách này, đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Theo bà Hà, các tổ chức tín dụng cũng vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm