Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%.
"Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD", cơ quan thống kê quốc gia cho biết.
Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Trong Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến năm 2023 của Bộ Công Thương gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương dự báo, năm 2022, cả nước tiếp tục xuất siêu.
Những tháng cuối năm 2022, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Dự kiến năm 2022, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch.
Những kết quả đạt được là cơ sở để ngành Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực. Đặc biệt, 15 FTA đang thực thi và trở thành động lực giúp thương mại quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Điển hình như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bước sang năm thứ tư thực thi, tiếp tục tạo động lực giúp các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP trong 7 tháng của năm 2022 đạt gần 31,5 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021, vượt mức tăng xuất khẩu chung của cả nước (16,6%).
Cùng với CPTPP, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đạt kết quả tích cực. Xuất khẩu sang EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2021. Qua 8 tháng của năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng kỷ lục sang thị trường này./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm