Thị trường hàng hóa
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 9/2024 tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%.
CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 09 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
9 nhóm hàng hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng
Cụ thể, nhóm giáo dục tháng 9/2024 tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên. Bên cạnh đó, tháng Chín là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, giá sản phẩm từ giấy tăng 0,61%; giá bút viết tăng 0,4%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,35%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương điều chỉnh giảm học phí do thực hiện Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ, sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó: Lương thực tăng 0,77% ; thực phẩm tăng 1,06% (tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52% chủ yếu do các nguyên nhân sau: Giá thuê nhà tăng 0,42% do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi bước vào năm học mới; giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16% ; giá gas tăng 1,45% do từ ngày 01/9/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 6,97% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%, trong đó, giá đồ trang sức tăng 1,65% theo giá vàng thế giới; sửa chữa đồng hồ đeo tay và đồ trang sức tăng 0,52%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,12%. Ở chiều ngược lại, giá túi xách, vali, ví giảm 0,51%; dịch vụ hành chính pháp lý giảm 0,31%.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm khi vào năm học mới tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày, dép tăng 0,49%; may mặc khác tăng 0,36%; mũ nón tăng 0,27%; quần áo may sẵn tăng 0,16%; dịch vụ may mặc tăng 0,1%; giày dép tăng 0,09%; vải các loại tăng 0,02%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng khi mưa lũ ngập lụt tại nhiều địa phương. Trong đó, giá hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,51%; đồng hồ treo tường, để bàn, gương và dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình cùng tăng 0,48%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,31%; hàng dệt trong nhà tăng 0,29%; đồ nhựa, cao su và xà phòng, chất tẩy rửa cùng tăng 0,23%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,2%; đồ điện tăng 0,18%; thuê người phục vụ tăng 0,06%; đồ dùng nấu ăn tăng 0,05%.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng, siêu thị tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Giá máy điều hòa nhiệt độ giảm 0,48%; máy giặt giảm 0,25%; máy xay sinh tố, ép hoa quả giảm 0,21%; máy hút bụi giảm 0,17%; tủ lạnh giảm 0,11%.
Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông thường tăng 0,33%; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%. Ngược lại, giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,74% do một số cửa hàng áp dụng chương trình khuyến mại, kích cầu đối với mẫu mã cũ.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% do thời tiết mưa bão, giao mùa nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Trong đó, nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt; chống viêm không steroid và thuốc điều trị gút và các bệnh xương tăng 0,48%; nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,28%; nhóm thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0,25%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí nhân công tăng. Cụ thể: Giá nước quả ép tăng 0,26%; rượu các loại tăng 0,18%; thuốc hút tăng 0,1%; nước giải khát có ga tăng 0,09%; bia chai tăng 0,06%.
2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm
Cụ thể, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do nhu cầu du lịch không còn cao như những tháng cao điểm, nên các công ty du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu, tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch trong nước giảm 2,12%; khách sạn giảm 1,23%. Ở chiều ngược lại, dịch vụ văn hóa tăng 0,57%; xem phim, ca nhạc tăng 0,34%.
Nhóm giao thông giảm 2,77% góp phần giảm CPI chung 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do: Giá dầu diezen giảm 8,41%; giá xăng trong nước giảm 6,86% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 14,66%; vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 2,17%; vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 0,23% do các đơn vị vận chuyển giảm giá vé khi giá nhiên liệu giảm; xe ô tô mới giảm 0,33%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,14%.
Bên cạnh đó, các nhóm hàng tăng giá: Giá phụ tùng ô tô và lốp, săm xe máy cùng tăng 0,26% do chi phí nhập khẩu linh kiện tăng; lốp, săm xe đạp tăng 0,65%; phí học lái xe tăng 0,24% do trong tháng 9/2024 có địa phương áp dụng mức học phí đào tạo mới; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,36%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,19%, trong đó giá sửa chữa xe đạp tăng 0,22% và sửa chữa xe máy tăng 0,18% do chi phí nhân công tăng.
CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,24%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,94%; giáo dục tăng 5,4%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,98%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,98%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,21%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,15%; bưu chính, viễn thông giảm 0,74%; giao thông giảm 0,88%;
Theo Tổng cục thống kê, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2024 tăng 3,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
(i) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân chín tháng năm 2024 tăng 4% làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá: Nhóm lương thực tăng 14,23% (tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm) do giá gạo tăng 18,87% tăng theo giá gạo xuất khẩu khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, bão lũ (tác động làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm); nhóm thực phẩm tăng 2,31% (tác động làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm); nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
(ii) Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61% (tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm); chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% (tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm) do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân chín tháng tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước.
(iii) Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm, do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí.
(iv) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46% làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm, do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
(v) Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87% làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.
Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2024 là: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông chín tháng năm 2024 giảm 1,19% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2024 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân chín tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/9/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.589,67 USD/ounce, tăng 3,77% so với tháng 8/2024. Ngày 18/9/2024, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống còn 4,75%-5%/năm; cùng với đó căng thẳng tại Trung Đông ngày càng gia tăng, khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng như một kênh trú ẩn đã đẩy giá vàng liên tục tăng cao. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023; tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân chín tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%.
Tính đến ngày 27/9/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 100,95 điểm, giảm 1,4% so với tháng trước khi FED quyết định giảm lãi suất khiến giá đồng USD liên tục giảm. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.329 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2024 giảm 1,79% so với tháng trước; tăng 1,7% so với tháng 12/2023; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân chín tháng năm 2024 tăng 5,46%.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm