Thị trường hàng hóa
Tháng 4 là tháng mất mát của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index dù không lao dốc nhưng lại duy trì xu hướng giảm dần đều. Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 4 (28/4), VN-Index dừng ở mức 1.049,12 điểm, giảm 15,52 điểm, tương đương 1,46% so với ngày 31/3. Vốn hóa thị trường sàn TP HCM “bốc hơi” 61.816 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD) tỷ đồng xuống 4.184.538 tỷ đồng (khoảng 177 tỷ USD).
Đà mất mát này chủ yếu đến từ cổ phiếu của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chao đảo, bất động sản vẫn là ngành có nhiều tín hiệu tích cực nhất khi hàng loạt chính sách của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ “giải cứu” bất động sản.
Nổi bật là Thông tư 02 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 02 giãn nợ, không tăng nhóm nợ, đây là điều doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng. Trong khi đó, Thông tư 03 cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu.
Thông tư 02 và Thông tư 03 góp phần giúp cổ phiếu bất động sản bứt phá sau chuỗi ngày giảm sâu. Dù vậy, sức nóng mới chỉ lan tỏa đến các cổ phiếu nhỏ. Những “anh cả” của ngành chưa thể lấy lại được những gì đã mất trước đó nên vẫn giảm giá trong tháng 4.
Trong nhóm blue-chips của ngành bất động sản, chỉ có 3 mã tăng trưởng dương trong tháng 4, từ đó giúp các đại gia gặt hái được hàng trăm tỷ đồng. Đó là NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland, PDR của Phát Đạt và KBC của Tổng công ty Kinh Bắc.
Sau một thời gian dài trải qua nhiều thăng trầm, cổ phiếu NVL của Novaland và PDR của Phát Đạt bất ngờ đi ngược với xu hướng thị trường khi phục hồi, giúp cổ đông gia tăng tài sản.
“Chốt” tháng 4, NVL tăng 1.650 đồng/CP, tương đương 13% lên 14.350 đồng/CP, PDR tăng 1.650 đồng/CP, tương đương 13,2% lên 14.150 đồng/CP. NVL và PDR giúp vốn hóa thị trường Novaland và Phát Đạt có thêm 3.215 tỷ đồng và 1.108 tỷ đồng.
Nhờ NVL, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland tăng thêm 160 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt “đút túi” 484 tỷ đồng.
Sau 1 tháng giao dịch, cổ phiếu KBC tăng 1.500 đồng/CP, tương đương 6,2% lên 25.750 đồng/CP. Nhờ đó, giá trị cổ phiếu KBC thuộc sở hữu của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc có thêm 208 tỷ đồng.
Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có ba đại gia chứng kiến khối tài sản tăng trưởng dương. Bên cạnh ông Bùi Thành Nhơn, còn có vợ chồng ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Đóng cửa phiên chứng khoán 28/4, HPG dừng ở mức 21.550 đồng/CP, tăng 750 đồng/CP, tương đương 3,6% so với ngày 31/3. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Hòa Phát tăng 4.261 tỷ đồng lên 125.890 tỷ đồng. Là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát, ông Trần Đình Long ghi nhận tài sản có thêm 1.137 tỷ đồng.
Với việc sở hữu rất nhiều cổ phiếu HPG, bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long chứng kiến khối tài sản tăng lên 9.235 tỷ đồng, từ đó đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong tháng 4, trong Top 25 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có 7 tỷ phú “vượt bão” thành công. Thủy sản và ngân hàng, mỗi ngành đóng góp một đại diện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank may mắn khi cổ phiếu TCB tăng nhẹ từ 28.350 đồng/CP lên 29.650 đồng/CP. Hiện tại, bà Tâm có 5.146 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán và là người giàu thứ 21.
Trong khi đó, đóng cửa phiên giao dịch 28/4, cổ phiếu VHC dừng ở mức 60.100 đồng/CP, tăng 6.700 đồng/CP, tương đương 12,5%. Vì vậy, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn có thêm 530 tỷ đồng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm