Thị trường hàng hóa
Điểm lại một số bất cập trong năm 2022
Sau 2 năm tăng trưởng quá “nóng”, thị trường bất động sản năm 2022 đã giảm nhiệt. Sức thanh khoản, cung - cầu đều sụt giảm so với những năm trước.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2022 với Báo Nhà báo & Công luận, Bộ Xây dựng cho biết: Trong năm vừa qua, không riêng bất động sản, toàn nền kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro lớn, như xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, giá trị đồng tiền nhiều quốc gia tiếp tục mất giá, lạm phát đang lan rộng trên quy mô toàn cầu,... tất cả những điều này đã và đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thị trường bất động sản, trong năm 2022 đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Đơn cử như hệ thống pháp luật liên quan tới đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều bất cập cần nghiên cứu sửa đổi. Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai gặp khó trong các thủ tục pháp lý, đặc biệt là trong việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản bất hợp lý. Trong đó, phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Ngược lại, dòng nhà ở bình dân, nhà ở xã hội lại thiếu gay gắt. Điều này dẫn đến việc giá bất động sản, tiếp tục tăng cao hơn so với thu nhập của người dân.
Các sàn giao dịch bất động sản còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt, hình thành nên một phận môi giới vừa yếu chuyên môn, vừa thiếu kiến thức pháp luật. Các giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá”, kê khai thấp hơn giá giao dịch để trốn thuế vẫn còn phổ biến.
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại một số địa phương còn bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền nền không đúng quy định.
Ngoài ra, công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một hạn chế. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng cho rằng: Dù sao, bất động sản vẫn là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.
“Các yếu tố này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
5 yếu tố giúp thị trường bất động sản "tỏa sáng" trong năm 2023
Mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản năm 2023 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh nhờ vào 5 yếu tố.
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021 - 2022, cũng như sẽ tiếp tục được ban hành trong thời gian tới nói chung sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thứ hai, xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam do ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trở lại.
Thứ ba, sự nỗ lực, cố gắng, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động, tích cực, giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế.
Thứ tư, việc Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, chắc chắn sẽ tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thị trường bất động sản phát triển.
Cuối cùng, Việt Nam giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và đà tăng trưởng dương của nền kinh tế (ước khoảng 7,5 - 8% trong năm 2022) sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư và là động lực để phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm