Thị trường hàng hóa
Bitcoin vừa trải qua quý tồi tệ nhất kể từ năm 2011. Đồng tiền điện tử lớn nhất tính theo giá thị trường đã mất khoảng 58% giá trị trong quý 2 năm 2022. Khoảng 1,2 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi toàn bộ thị trường tiền điện tử. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, các công ty tiền điện tử liên tục thông báo về việc cắt giảm nhân sự và tạm ngưng các giao dịch rút tiền, một số khác đang tiến tới hợp nhất với các công ty lớn thông qua các thương vụ mua lại.
Theo các nhà phân tích thị trường, trong quý II Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã thực hiện hai đợt tăng lãi suất tích cực để chống lại lạm phát bùng nổ. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế ở Mỹ và các nước khác.
Việc Fed liên tục tăng lãi suất, khiến cổ phiếu công nghệ chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, Nasdaq Composite sụt 22.4% trong quý 2/2022, cũng là quý tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong quý II, chỉ số S&P 500 còn 3,785.38 điểm, khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.
Trong khi đó, Bitcoin có mối tương quan chặt chẽ với biến động giá của các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ. Việc bán tháo cổ phiếu đã ảnh hưởng đến bitcoin và thị trường tiền điện tử khi khi các nhà đầu tư đang muốn giảm tỷ trọng vào các tài sản có mức độ rủi ro cao.
Sự cố lớn đầu tiên trong quý trên thị trường tiền mã hoá là sự sụp đổ của stablecoin theo thuật toán terraUSD và đồng token “chị em” Luna. Stablecoin là một loại tiền điện tử được tạo ra để theo dõi giá trị của một tài sản khác như tiền của Chính phủ.
Đồng tiền có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch, bao gồm cả đô la Mỹ hoặc Euro. Một số Stablecoin có thể được cố định vào các loại tài sản khác, bao gồm cả kim loại quý, chẳng hạn như vàng và thậm chí cả các loại tiền điện tử khác.
TerraUSD hay UST thường được giao dịch một đổi một với đô la Mỹ. Thay vì như các stablecoin khác được hỗ trợ bởi tài sản thực như tiền tệ fiat hoặc trái phiếu chính phủ thì UST bị chi phối bởi một thuật toán và một hệ thống tạo và huỷ token phức tạp. Đáng tiếc rằng hệ thống này đã sụp đổ, khiến TerraUSD và Luna gần như mất hoàn toàn giá trị.
Sự sụp đổ của TerraUSD như một “cú sốc” với cả nền công nghiệp tiền mã hoá. Đáng chú ý, việc này tác động tiêu cực tới quỹ phòng hộ tiền mã hoá Three Arrows Capital do với nhiều mối liên quan với TerraUSD.
Ngày 13/6, công ty cho vay tiền điện tử Celsius Network thông báo sẽ tạm dừng việc rút và chuyển tiền giữa các tài khoản do “điều kiện thị trường khắc nghiệt”. Trước đó, công ty mời khách hàng gửi tiền điện tử vào hệ thống của Celsius với lợi suất hơn 18%. Sau đó, công ty dùng số tiền này cho những người chơi trong thị trường tiền điện tử vay, và những người chơi này sẵn sàng trả lãi suất cao để vay tiền. Sự sụt giá của các đồng tiền mã hoá như một thách thức lớn đối với mô hình hoạt động của Celsius.
Mới đây, Celsius thông báo trong một bài đăng trên blog rằng họ đang thực hiện các bước quan trọng để bảo quản và bảo vệ tài sản cũng như nghiên cứu các tùy chọn hiện có sẵn. Các lựa chọn này bao gồm theo đuổi các giao dịch chiến lược cũng như tái cơ cấu lại các khoản nợ. Vấn đề này cho thấy Celsius đã bộc lộ những điểm yếu trong mô hình mời chào lãi suất cao với những người dùng gửi tiền điện tử.
Three Arrows Capital là một trong những quỹ đầu cơ nổi bật nhất tập trung vào đầu tư tiền điện tử. Công ty có tuổi đời hàng thập kỷ, thường được gọi là 3AC, do Zhu Su và Kyle Davies thành lập. Bên cạnh đó, công ty còn được biết đến với các vụ đặt cược tăng giá có đòn bẩy cao trên thị trường tiền điện tử.
3AC đã nắm giữ bộ đôi stablecoin TerraUSD, Luna và chịu thiệt hại bởi đợt sụt giảm của những đồng tiền kỹ thuật số này. Các công ty cho vay tiền điện tử có trụ sở tại Mỹ là BlockFi và Genesis đã thanh lý một số vị thế của 3AC do 3AC đã vay từ BlockFi nhưng không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ.
Lệnh gọi ký quỹ là một tình huống nhà đầu tư phải nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp. Sau đó, 3AC vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 660 triệu USD từ Voyager Digital. Kết quả là Three Arrows Capital rơi vào tình trạng thanh lý. Việc ngừng hoạt động của 3AC đã làm dấy lên lo ngại lây lan sang các bộ phận của thị trường có khả năng bị ảnh hưởng bởi công ty.
Sàn giao dịch tiền điện ảo CoinFlex, có trụ sở ở Cộng hòa Seychelles đã tạm dừng việc rút tiền của khách hàng vào tháng trước. Lý do được đưa ra là “điều kiện thị trường khắc nghiệt” và tài khoản của một khách hàng lớn bị âm vốn chủ sở hữu.
Mark Lamb, Giám đốc điều hành CoinFlex tiết lộ vị khách hàng này chính là nhà đầu tư tiền điện ảo nổi tiếng Roger Ver. Ver bị cáo buộc đang nợ CoinFlex 47 triệu USD. Ver, người có biệt danh “Bitcoin Jesus”, phủ nhận cáo buộc và tố cáo ngược rằng trên thực tế, CoinFlex mới là bên đang nợ tiền của ông.
Thông tin từ sàn giao dịch này cho biết thông thường, tài khoản khách hàng nếu bị âm vốn chủ sở hữu thì sẽ bị thanh lý nhưng CoinFlex và Ver đã có một thỏa thuận không cho phép điều này xảy ra bằng cách nộp tiền ký quỹ bổ sung. Tuy nhiên, CoinFlex cho biết Ver không nộp ký quỹ bổ sung thêm 47 triệu USD khi vốn chủ sở hữu bị âm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm