Thị trường hàng hóa
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có khi mà các mã liên tục giảm giá, sắc đỏ chìm ngập thị trường trong các phiên giao dịch. Nhiều công ty niêm yết trên sàn với giá trị vốn hoá bị thổi bay chỉ trong vài tháng gây ảnh hưởng tới các chỉ số chung của thị trường.
Theo số liệu tính đến hết ngày 21/10/2022 trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM thì tổng cộng đang có 42 doanh nghiệp ghi nhận mức vốn hoá trên 1 tỷ USD (tương ứng khoảng 24.560 tỷ đồng). Như vậy, nếu so với số liệu ghi nhận tại thời điểm đầu năm 2022 thì hiện tại, số lượng doanh nghiệp có vốn hoá trên 1 tỷ USD đã "bốc hơi" mất 17 đơn vị.
Trong danh sách các doanh nghiệp tuột mốc 1 tỷ USD vốn hoá thị trường, có thể kể đến một số cái tên đáng chú ý như: Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB), Vefac (VEF)... Đáng chú ý hơn nữa đó là sàn HNX thậm chí không còn một doanh nghiệp nào có vốn hoá trên 1 tỷ USD. Đơn vị cuối cùng trên HNX là KSFinance (KSF) cũng đã bị tuột mốc 1 tỷ USD.
Hiện tại, 42 doanh nghiệp có vốn hoá trên 1 tỷ USD trên thị trường vốn hoá Việt Nam đang có tổng giá trị vốn hoá khoảng 148 tỷ USD, giảm tới 96 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Giá trị của 42 doanh nghiệp này hiện cũng đang chiếm tới 83% quy mô tổng giá trị vốn hoá của thị trường.
Trong số 42 doanh nghiệp kể trên, hiện có 34 đơn vị đang niêm yết trên sàn HoSE, so với thời điểm đầu năm, số lượng công ty "tỷ USD" trên sàn HoSE đã giảm đi 15 đơn vị. Trên sàn UpCOM hiện có 8 đơn vị vốn hoá trên 1 tỷ USD, gồm 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước và 2 đơn vị tư nhân là Masan Consumer (MCH) và Sunshine Homes (SSH).
Bên cạnh nguyên nhân chính do sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, sự tháo chạy của các nhà đầu tư thì biến động tỷ giá USD cũng là một lý do gây ảnh hưởng tới vốn hoá của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sự biến động tỷ giá đã khiến mức vốn hoá quy đổi từ VND sang USD bị giảm mạnh đáng kể khiến một số doanh nghiệp bị mất mốc 1 tỷ USD vốn hoá.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm