Thị trường hàng hóa
Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản tăng cường kiểm dịch đối với các lô hàng thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là đối với tất cả các lô hàng quả vải tươi và sản phẩm chế biến từ vải của Việt Nam. Từ 5/4/- 12/8/2022, đã có 310 lô hàng thực phẩm của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản vi phạm qua quá trình kiểm dịch.
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, Nhật Bản và Việt Nam nhiều năm nay được đánh giá là “đồng minh tự nhiên” với cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu có tính tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau và khá cân đối chứ không có chênh lệch lớn hay cạnh tranh trực tiếp. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì ổn định, trung bình 7-8%.
Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và phát triển tại Việt Nam khá đông và tham gia trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là sản xuất, lắp ráp, chế tạo, vì vậy Việt Nam có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng đồng thời cũng có nhiều tiềm năng hợp tác xuất nhập khẩu từ linh phụ kiện đến máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Việt Nam cũng có lợi thế trong các ngành sử dụng nhiều nhân công như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ nên có những cơ hội để duy trì và tăng cường hợp tác, giao thương đối với các sản phẩm thuộc những ngành nghề này.
Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản yêu cầu rất khắt khe và áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất nhì thế giới đối với các sản phẩm thực phẩm và nông sản nhập khẩu.
Tập quán thương mại và rào cản ngôn ngữ cũng là những khó khăn, thách thức chung cho các công ty Việt Nam khi muốn hợp tác, giao thương và thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Công ty Nhật Bản thường không dễ tiếp cận qua việc gọi điện, gửi email tới chào hàng trực tiếp mà không thông qua giới thiệu, kết nối hay cơ hội gặp gỡ đã có từ trước. Đây là một trong những lầm tưởng rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tiếp cận đối tác Nhật Bản.
Các công ty Nhật Bản rất coi trọng uy tín và có thói quen tìm hiểu rất kỹ đối tác trước khi quyết định hợp tác.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) khuyến nghị đối các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa công tác tư vấn, định hướng thị trường đối với các sản phẩm mới.
Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất cần lưu ý duy trì ổn định chất lượng đồng thời cải tiến mẫu mã bao bì, chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh để giữ uy tín và phát huy tiềm năng đối với các sản phẩm đã thâm nhập được vào Nhật Bản.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần thông qua nhiều hình thức khác nhau để ngày càng quảng bá rộng rãi các sản phẩm của Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản từ đó mở rộng kênh phân phối, nâng cao thị phần tiêu thụ nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam nói chung và nhất là hàng nông sản, thực phẩm.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm