Thị trường hàng hóa
Được coi là một trong “cỗ tam mã” kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế, xuất nhập khẩu luôn giữ đà tăng trưởng trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước
Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 433,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,9%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt.
Cùng với mức tăng trưởng ổn định của tăng trưởng, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu trên 1,0 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Đáng chú ý, xuất khẩu đã tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 48,7%). Nhóm nông sản, thủy sản tăng 14,6% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,7%, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như: dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Về các khu vực thị trường, trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thị trường châu Á-châu Phi đạt 289,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,5 tỷ USD, tăng 13,5%, nhập khẩu đạt 185,9 tỷ USD, tăng 16,5%.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thị trường châu Âu đạt 44 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 32,5 tỷ USD, tăng 13,9%; nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD.
Như vậy, có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các khu vực thị trường đều có sự tăng trưởng tương đối cao.
Nhìn chung, thành tích xuất nhập khẩu thời gian qua đã có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực triển khai Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đúng kế hoạch, tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo 2022; đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm lớn và uy tín tại nước ngoài…
Đặc biệt, đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa hệ thống Thương vụ, Cục Xúc tiến thương mại với Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan trong việc chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, đồng thời thông tin lên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nhận định, cơ hội cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm tập trung ở các yếu tố như các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo lộ trình tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Thị phần hàng Việt Nam trong dung lượng nhập khẩu của nước đối tác còn thấp, còn nhiều dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, tạo cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới. Dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu, tạo thuận lợi cho Việt Nam thúc đẩy phục hồi kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 với giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, là động lực để phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của nước ta trong năm 2023.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đến bởi tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm giảm sức cầu hàng hóa. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được IMF hạ dự báo từ 3,6% đưa ra tháng 4/2022 xuống còn 2,9%.
Đồng thời, chiến sự tại Ukraina và việc Trung Quốc quyết liệt theo đuổi chiến lược “không Covid” khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo an ninh năng lượng.
Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia (khu vực Eurozone là 8,6% hay tại Hoa Kỳ là 9,1%) và dự kiến sẽ còn ở mức cao làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, gây sụt giảm cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.
Giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Để duy trì tăng trưởng xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (đã ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg Ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ). Bộ đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng.
Bộ Công Thương cũng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
Bộ Công Thương cũng theo dõi, bám sát việc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các Kế hoạch thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ban hành theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về cơ hội và cách thức tận dụng các cơ hội từ cắt giảm thuế quan trong các FTA; đổi mới phương thức phổ biến theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.
Xác định công tác thương vụ có vai trò quan trọng trong việc gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo hệ thống Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường sở tại để kịp thời kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương và phổ biến, hướng dẫn cho hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
Thời gian tới, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường; không chỉ tập trung xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu. Định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ ngành công thương giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương với các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng của nước sở tại thông qua vai trò cầu nối của các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài.
Đồng thời, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại. Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin đến doanh nghiệp về các Hiệp định FTA, các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, phối hợp với các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản.
Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, chỉ đạo các Thương vụ thường xuyên, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xác minh thông tin đối tác, giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới, khắc phục tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Kiên định muc tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ logistics để thúc đẩy xuất khẩu thông qua hoạt động đơn giản hoá, điện tử hoá các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tổ chức các hội thảo, tọa đàm liên quan đến phát triển thị trường logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm