Thị trường hàng hóa
Trên Instagram, hiện có 3.290 hashtag bằng tiếng Hàn liên quan đến những từ khóa như “không chi tiêu”, “thách thức không tiêu tiền” và “ngày không chi tiêu”. Đính kèm các bài đăng là danh sách chi tiêu hằng ngày của các cá nhân hoặc hộ gia đình trẻ. Một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng chia sẻ các mẹo về cách cắt giảm đáng kể chi phí hằng ngày và thay đổi thói quen tiêu pha.
Nửa tháng trở lại đây, Kim Ji-yeon, giáo viên tiểu học 29 tuổi, đã bỏ ăn ngoài vào các ngày trong tuần và bắt đầu ăn trưa tại căng tin của trường. Thay vì đến quán cà phê sau bữa trưa, cô uống cà phê hòa tan có sẵn trong văn phòng. Kim nói 2 tuần qua, cô không tiêu một đồng nào vào các ngày trong tuần. “Tôi biết đến “thử thách không chi tiêu” thông qua mạng xã hội và nghĩ rằng đó là một cách tốt để tiết kiệm tiền. Tôi đã để dành được khoảng 200.000 won (153 USD) trong 2 tuần qua”, cô nói.
Kim Ji-yeon chỉ là một trong số nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ đang cố gắng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Một y tá đồng thời là vlogger tên là Kim, gần đây chuyên chia sẻ các clip dạy nấu những bữa ăn đơn giản, tiết kiệm. Kim đặt ra mục tiêu chỉ xài 50.000 won/tuần và cho người xem thấy điều đó có thể thực hiện được như thế nào. Còn He-rang, người khởi nghiệp ở độ tuổi 20, chỉ ra các cách để tiết kiệm 80% thu nhập và kiếm 100 triệu won trong vài năm. Cô cũng đề xuất cho người xem những cuốn sách dễ đọc về tiết kiệm chi tiêu.
Kim Min-jae, 35 tuổi thì đã không ăn nhà hàng hay mua quần áo đắt tiền và cố gắng tiết kiệm hết mức có thể để đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm. Kim Min-jae có tài sản ròng khoảng 1,8 tỉ won (1,4 triệu USD), tích lũy bằng cách tiết kiệm lương hằng tháng nhiều nhất có thể, có lúc lên tới 90% lương. Để đạt được điều này, anh tận dụng thẻ tín dụng công ty, ăn uống hầu như mọi bữa tại căng tin công ty, tránh chi tiêu vào những thứ xa xỉ như quần áo hàng hiệu hay cà phê đắt tiền và giữ chi tiêu hằng tháng dưới 200 USD. Hiện anh đang sống cùng bạn gái, từng là đồng nghiệp cùng công ty. Cặp đôi hiện chi khoảng 1.600 USD/tháng cho chi phí sinh hoạt và không có kế hoạch kết hôn cho đến khi ít nhất 55 tuổi, thời điểm họ có thể đăng ký khoản vay thế chấp ngược do chính phủ tài trợ (chủ nhà được nhận tiền hằng tháng bằng cách thế chấp nhà của họ). “Mục tiêu tột cùng của chúng tôi là sống phần đời còn lại bằng số tiền đã tích lũy. Chúng tôi cũng quyết định sẽ không có con”, Kim nói.
Kết quả từ cuộc khảo sát với 707 người lao động trên trang web tuyển dụng Hàn Quốc Incruit năm 2021 cho thấy, mức lương trung bình hằng tháng của những người ủng hộ trào lưu này là 2.140 USD. Hơn 1/4 thành viên cho rằng họ đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 40% lương mỗi tháng.
Phong trào tiết kiệm bắt đầu bén rễ ở Hàn Quốc vào đầu năm nay. Không rõ số lượng chính thức, nhưng một số cộng đồng trực tuyến này hiện nay có tới hàng chục nghìn thành viên. Lee Taek-gwang, nhà bình luận văn hóa, giáo sư tại Đại học Kyung Hee, nhận định nhiều người trẻ Hàn Quốc hướng đến tự do tài chính trước tuổi nghỉ hưu là do chịu đựng sự quấy rối tại nơi làm việc và làm việc quá sức. “Sự trỗi dậy của trào lưu này tại Hàn Quốc là kết quả của “xung đột giá trị” giữa văn hóa làm việc cứng nhắc và mong muốn của người trẻ”, ông Lee nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định, phong trào không tiền mặt sẽ tiếp tục phát triển tại Hàn Quốc và thu hút nhiều thành viên mới. Tuy nhiên, giáo sư Lee cho rằng, họ khó có thể đảm bảo duy trì nguồn tài chính mạnh trong bối cảnh lạm phát leo thang và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề.
Tuy nhiên, khi “thử thách không tiêu tiền” lan rộng, nhiều người bày tỏ sự lo ngại xung quanh vấn đề này. Các chuyên gia cảnh báo rằng tiết kiệm quá mức có thể gây hại. “Tiết kiệm không phải là xấu. Nhưng cắt đứt liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp và cô lập bản thân không phải là cách tiết kiệm tiền bạc lành mạnh”, Lee Eun-hee, giáo sư tại Đại học Inha cho biết.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm